-
Không xét tặng Gia đình văn hóa cho gia đình mắc 07 lỗi sau
Nghị định 122/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 17/9/2018 quy định tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa; danh hiệu Khu dân cư văn hóa.
Đáng chú ý là quy định không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa cho gia đình có thành viên mắc một trong các lỗi sau:
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;
- Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế;
- Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường;
- Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống;
- Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính;
- Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc;
- Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chi tiết xem thêm Nghị định 122/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/11/2018.
-
Tòa án giải đáp vướng mắc về vụ án hành chính
Ngày 19/9/2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Văn bản 02/GĐ-TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính.
Trong đó có nội dung giải đáp liên quan đến tính án phí sơ thẩm trong trường hợp một người khởi kiện nhiều quyết định hành chính trong cùng một vụ án. Cụ thể:
- Tòa án chỉ đưa ra quy định về án phí hành chính sơ thẩm, án phí hành chính phúc thẩm mà không quy định án phí theo từng yêu cầu khởi kiện. Do đó, nếu người khởi kiện yêu cầu hủy nhiều quyết định hành chính có liên quan đến nhau thì Tòa án giải quyết các yêu cầu này trong cùng một vụ án;
- Án phí hành chính sơ thẩm, án phí hành chính phúc thẩm được xác định là 300.000 đồng. Nếu người khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định hành chính độc lập với nhau thì Tòa án xem xét, thụ lý giải quyết bằng các vụ án hành chính khác nhau;
- Việc tính án phí hành chính thực hiện theo quy định chung.
-
Chuyển mục đích sử dụng đối với sản phẩm không đảm bảo an toàn
Bộ Y tế ban hành Thông tư 23/2018/TT-BYT quy định về việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc quản lý của Bộ Y tế.
Theo đó, các sản phẩm (gồm: thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm) không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ bị thu hồi và xử lý theo các cách thức sau:
- Khắc phục lỗi ghi nhãn đối với sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm;
- Chuyển mục đích sử dụng đối với sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác;
- Tái xuất đối với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng;
- Tiêu hủy đối với sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.
Thông tư 23/2018/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ 01/11/2018.
-
Tiêu chuẩn mới đánh giá trường học đạt chuẩn quốc gia
Ngày 22/8/2018, Bộ Giáo dục và đào tạo ký ban hành các Thông tư quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Cụ thể:
- Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học;
- Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.
Các Thông tư trên chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 10/10/2018.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn