Điểm mới của các Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2018 (Phần 2)

Điểm mới của các Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2018 (Phần 2)
Thủy Phú

Nối tiếp Phần 1, THƯ KÝ LUẬT trân trọng giới thiệu đến Quý thành viên, khách hàng điểm mới các Thông tư thuộc lĩnh vực y tế, giao thông vận tải, khoa học công nghệ như:

 

  1. Áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe mới cho nhân viên chạy tàu

Bộ Y tế ban hành Thông tư 12/2018/TT-BYT áp dụng Tiêu chuẩn sức khỏe đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu từ 01/7/2018, thay thế tiêu chuẩn sức khỏe cho người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt tại Quyết định 4132/QĐ-BYT.

Theo đó:

- Đối với chức danh Lái làu; Phụ lái tàu: Đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe tại Nhóm 3, Phụ lục số 01 của Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT;

- Đối với chức danh Trưởng tàu; Trưởng dồn; Trực ban chạy tàu ga; Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga; Nhân viên gác ghi; Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; Nhân viên gác đường ngang, cầu chung:

  • Đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại II trở lên khi khám tuyển theo Quyết định 1613/BYT-QĐ ngày 15/8/1997;
  • Đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại III trở lên khi khám định kỳ theo Quyết định 1613/BYT-QĐ.

  1. Thành lập ngay Hội đồng giải quyết khi xảy ra sự cố TNGT đường sắt

Theo quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BGTVT, khi có sự cố, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra phải thành lập ngay Hội đồng giải quyết sự cố, TNGT đường sắt.

Thành phần Hội đồng gồm:

  • Lãnh đạo DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt: Chủ tịch Hội đồng;
  • Lãnh đạo DN kinh doanh vận tải đường sắt;
  • DN đường sắt khác có liên quan;
  • Đại diện UBND các cấp nơi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt;
  • Tổ chức, cá nhân khác có liên quan do người quyết định thành lập Hội đồng quyết định.

Trường hợp xảy ra TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng trên đường sắt quốc gia có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Hội đồng giải quyết tai nạn.

Xem thêm thành phần Hội đồng giải quyết sự cố, TNGT đối với đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng tại Thông tư 23/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

  1. Một số quy định về thông tin, chỉ dẫn ghi trên tàu hỏa

Thông tư 20/2018/TT-BGTVT đưa ra một số quy định về thông tin, chỉ dẫn trên phương tiện giao thông đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng như sau:

  • Bên ngoài toa xe khách phải có biển số thứ tự của toa xe, biển số thứ tự bên ngoài toa xe phải trùng số thứ tự với biển số trong toa xe;
  • Bên trong toa xe khách phải có biển số thứ tự của toa xe, số chỗ, bảng thông tin (bằng chữ viết hoặc điện tử) và hệ thống truyền thanh; nội quy đi tàu; các biển hiệu bằng chỉ dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn, chữa cháy, chỗ ưu tiên của khách hàng, nhà vệ sinh;
  • Ký hiệu, thông tin, chỉ dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu; bố trí ở nơi dễ thấy, dễ đọc. Chỉ dẫn bằng chữ cho khách hàng trên toa xe phải được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Hệ thống phát thanh phải phát bằng tiếng Việt và tiếng Anh để hướng dẫn khách hàng trên tàu khách.

Xem thêm Thông tư 20/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

  1. Cách xử lý cho hành khách không mua được vé tàu bổ sung

Đây là điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, chính thức áp dụng từ 01/7/2018.

Theo đó, doanh nghiệp khi không thể bán vé bổ sung cho hành khách, người đi tàu (do ngoài khả năng đáp ứng) thì giải quyết như sau:

  • Đối với hành khách, người đi tàu muốn đi quá ga đến ghi trên vé hoặc không có vé hoặc vé không hợp lệ thì phải xuống tàu khi tàu chưa chạy hoặc xuống tàu tại ga gần nhất tàu có đỗ và phải thanh toán các chi phí theo quy định của doanh nghiệp;
  • Đối với hành khách muốn đổi chỗ từ hạng thấp lên hạng cao thì tiếp tục sử dụng đúng chỗ ngồi đã ghi trên vé.

  1. QCVN 01-186: 2017/BNNPTNT: Yêu cầu bảo quản, vận chuyển sữa tươi nguyên liệu

QCVN 01-186: 2017/BNNPTNT về sản phẩm sữa tươi nguyên liệu được ban hành kèm theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT chính thức áp dụng từ 01/7/2018.

Theo đó quy định về cách bảo quản, vận chuyển sữa tươi nguyên liệu như sau:

  • Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 °C đến 6 °C bằng các thiết bị, dụng cụ lạnh chuyên dùng cho thực phẩm, không gỉ, không thôi nhiễm vào sữa; bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Vận chuyển trong các thiết bị, dụng cụ lạnh chuyên dùng cho thực phẩm không gỉ, không thôi nhiễm vào sữa; bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

818 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;