Điểm mới của 07 Nghị định có hiệu lực từ đầu tháng 1/2017

Tiếp theo bài 05 Nghị định về thuế, phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Thư Ký Luật xin giới thiệu 07 nghị định còn lại có hiệu lực từ đầu tháng 1/2017. Cụ thể:

 

  1. Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2017

Từ ngày 01/01/2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:

  • Vùng I:  3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với năm 2016);
  • Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng/tháng so với năm 2016);
  • Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng/tháng so với năm 2016);
  • Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng so với năm 2016).

Đồng thời có sự điều chỉnh về địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng của các địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định 153/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, thay thế Nghị định 122/2015/NĐ-CP.

 

 

  1. Đà Nẵng được vay vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Theo đó, quy định các nội dung:

  • Cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Trong đó cho phép Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua:
    • Các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định pháp luật
    • Vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.
  • Cơ chế tài chính, ngân sách;
  • Cơ chế phân cấp quản lý.

Nghị định 144/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017

  1. Tăng mức chi trả phí dịch vụ môi trường rừng

Theo Nghị định 147/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2017) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch như sau:

  • Các cơ sở sản xuất thủy điện: Mức chi trả tiền dịch vụ từ 20 đồng/kwh (theo Nghị định 99) tăng lên thành 36 đồng/kwh điện thương phẩm;
  • Cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch: Mức chi trả tiền dịch vụ từ 40 đồng/m3 (theo Nghị định 99) tăng lên thành 52 đồng/m3 nước thương phẩm.
  1. Doanh nghiệp phải báo mức giảm cho CQNN nếu giảm giá hàng hóa

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi tắt là doanh nghiệp) thuộc diện kê khai giá thực hiện kê khai bằng việc gửi thông báo mức giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNN) trước khi định giá, điều chỉnh giá.

Nếu kê khai giảm giá, doanh nghiệp thực hiện giảm giá ngay và phải gửi văn bản kê khai thông báo mức giảm đến CQNN.

Ngoài ra, Nghị định quy định Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ quyết định về đăng ký giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 06 tuổi nhằm thực hiện bình ổn giá.

 

 

  1. Các loại chứng thư số dùng để ký số trong hoạt động tài chính

Theo Nghị định 156/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/01/2017) sửa đổi Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, các loại chứng thư số (CTS) được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính gồm:

  • CTS được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; 
  • CTS được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; 
  • CTS nước ngoài được công nhận; 
  • CTS nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; 
  • CTS nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
  1. Các nguồn bù đắp bội chi ngân sách địa phương

Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước quy định bội chi ngân sách địa phương từ nguồn:

  • Vay trong nước từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng tổ quốc và các khoản vay trong nước khác;
  • Vay ngoài nước từ các khoản vay hỗ trợ chính thức (ODA), vay ưu đãi của chính phủ các nước, các chế định tài chính các nước và các tổ chức quốc tế; phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế; không gồm các khoản Chính phủ vay về cho các tổ chức kinh tế vay lại.
  1. Tồn quỹ ngân sách các cấp không được Kho bạc nhà nước trả lãi

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Theo đó, các đối tượng không được Kho bạc Nhà nước trả lãi gồm: tồn quỹ ngân sách các cấp và tiền gửi của các đơn vị, tổ chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước

Xem thêm các nội dung về mở tài Khoản, trả lãi và thu phí tại Kho bạc nhà nước tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP.

1390 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;