- Điều kiện thi chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên
Ngày 31/8/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 91/2017/TT-BTC quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên.
Theo đó, điều kiện thi chứng chỉ kiểm toán viên và kế toán viên đã được gộp chung, không tách biệt như trước. Cụ thể:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán hoặc các ngành khác nhưng phải đáp ứng đủ số lượng các môn học theo quy định; hoặc có văn bằng được cấp bởi các Tổ chức quốc tế về kế toán, kiểm toán.
- Thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu là 36 tháng;
- Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định;
- Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 52 của Luật kế toán.
Thông tư 91/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.
- Sửa đổi mẫu giấy đề nghị vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài
Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 24/2017/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quỹ Quốc gia về việc làm tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP.
Theo đó, Thông tư 24 sửa đổi một số biểu mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH như:
- Mẫu 01b: Giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (cho vay người lao động thông qua hộ gia đình).
- Mẫu 02: Dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
- Mẫu 03b: Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (cho vay người lao động thông qua hộ gia đình).
Xem chi tiết các biểu mẫu thay thế tại Thông tư 24/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.
- Điều kiện miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi thăng hạng chức danh CTXH
Theo Thông tư 25/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/10/2017) do Bộ Lao động- Thương binh xã hội ban hành, viên chức thi thăng hạng viên chức ngành công tác xã hội được miễn thi ngoại ngữ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Nam từ đủ 55 tuổi trở lên và nữ từ đủ 50 tuổi trở lên, tính đến ngày 31/12 của năm tổ chức thi;
- Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai chuyên ngành ngoại ngữ;
- Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc thạc sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo;
- Có chứng chỉ ngoại ngữ B1 theo Khung tham chiếu Châu Âu hoặc chứng chỉ TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL IBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng III lên hạng II. Các chứng chỉ phải còn trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi;
- Là người DTTS và đang làm việc ở vùng DTTS (không áp dụng trong kỳ thi thăng hạng III lên hạng II).
- Yêu cầu về số lượng giảng viên khi mở ngành đào tạo đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
Theo đó, các trường đại học phải đảm bảo yêu cầu về số lượng giảng viên khi mở các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành sức khỏe theo quy định như sau:
- Y đa khoa: Tối thiểu 02 tiến sĩ khoa học y sinh, 06 tiến sĩ y học lâm sàng, 01 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
- Răng - Hàm - Mặt: Tối thiểu 02 tiến sĩ khoa học y sinh, 02 tiến sĩ y học lâm sàng, 03 tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt.
- Y học cổ truyền: Tối thiểu 02 tiến sĩ khoa học y sinh, 03 tiến sĩ y học cổ truyền và 01 tiến sĩ thuộc y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
- Y học dự phòng: Tối thiểu 02 tiến sĩ thuộc khoa học y sinh, 01 tiến sĩ y học lâm sàng và 04 tiến sĩ dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Xem chi tiết Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn