Từ đầu tháng 5/2019 (từ ngày 01/5/2019 - 15/5/2019) nhiều chính sách mới về lao động, tư pháp, giáo dục bắt đầu có hiệu lực thi hành. Thư Ký Luật xin điểm qua một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Danh mục 20 công việc được phép cho thuê lại lao động
Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Theo đó, tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này đã quy định các công việc được phép cho thuê lại lao động, đơn cử là các công việc như:
Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký;
Thư ký/Trợ lý hành chính;
Lễ tân;
Hướng dẫn du lịch;
Hỗ trợ bán hàng;
Hỗ trợ dự án;
Lập trình hệ thống máy sản xuất;
Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông;
…
Xem đầy đủ danh mục này tại Nghị định 29/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2019.
2. Luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng sẽ bị xử lý kỷ luật
Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 02/2019/TT-BTP quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
Theo đó, Luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
Khiển trách;
Cảnh cáo;
Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai tư tháng.
Ngoài việc chấp hành hình thức kỷ luật, luật sư có trách nhiệm thực hiện bù nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng của năm đó vào năm kế tiếp.
Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật về việc vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì Luật sư có quyền khiếu nại.
Chi tiết xem tại Thông tư 02/2019/TT-BTP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/5/2019.
3. Thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019
Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Theo đó, tại văn bản này quy định thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT 2019 như sau:
Đối với giáo dục THPT
ĐXTN = [{(Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có))/4} x 7 + {(Điểm trung bình cả năm lớp 12) x 3}]/10 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Đối với giáo dục thường xuyên
ĐXTN = [{(Tổng điểm 3 bài thi)/3 + (Tổng điểm khuyến khích (nếu có))/4} x 7 + {(Điểm trung bình cả năm lớp 12) x 3}]/10 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Xem nội dung chi tiết tại Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 03/5/2019.
4. Thành phần hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần
BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 về Quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH, chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thay thế cho Quyết định 636/QĐ-BHXH.
Theo đó, hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm:
Sổ BHXH;
Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB;
Người ra nước ngoài định cư phải nộp bổ sung bản sao giấy xác nhận về việc thôi quốc tịch hoặc bản dịch tiếng việt được chứng thực/ công chứng một trong các giấy tờ như Hộ chiếu do nước ngoài cấp; Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp…;
Trường hợp mắc bệnh nguy hiểm thì bổ sung thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được hoặc Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ thể hiện tình trạng suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên và không tự phục vụ đối với các bệnh khác;
Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định, bảng kê nội dung giám định đối với trường hợp thanh toán phí GĐYK;
Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu số 04B-HBKV.
Xem đầy đủ tại Quyết định 166/QĐ-BHXH có hiệu lưc từ ngày 01/5/2019.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |