09 Luật mới có hiệu lực từ 01/7/2018 (Phần 1)

09 Luật mới có hiệu lực từ 01/7/2018 (Phần 1)
Thủy Phú

Từ 01/7/2018 nhiều chính sách bắt đầu có hiệu lực thi hành, THƯ KÝ LUẬT trân trọng giới thiệu đến Quý khách hàng, thành viên 09 Luật mới sau:

 

  1. Quy định về phân loại nợ công

Luật quản lý nợ công 2017 chính thức áp dụng từ 01/7/2018, thay thế Luật quản lý nợ công 2009.

Theo đó, quy định chi tiết hơn về các loại nợ công như sau:

Nợ Chính phủ bao gồm:

  • Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;
  • Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;
  • Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:

  • Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;
  • Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ chính quyền địa phương bao gồm:

  • Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;
  • Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
  • Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về NSNN.

  1. Thêm 02 chế độ mới cho thành viên cơ quan đại diện và người thân từ 01/7/2018

Luật số 19/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Luật sửa đổi) chính thức áp dụng từ 01/7/2018.

Theo đó, bổ sung chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện và người thân của họ như sau:

  • Con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện được hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia tiếp nhận và chi phí mua bảo hiểm khám, chữa bệnh;
  • Trường hợp cha, mẹ hoặc cha, mẹ của vợ (chồng) hoặc vợ, chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết thì được hỗ trợ chi phí đi lại.

Ngoài ra, Luật sửa đổi còn bổ sung thêm tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện, cụ thể là: Có đủ tiêu chuẩn, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công tác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

  1. Điều kiện tham gia vào lực lượng Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ 2017 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

Theo quy định, lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm:

  • Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an;
  • Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.

Công dân Việt Nam đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn sau thì được tuyển vào tham gia vào lực lượng Cảnh vệ:

  • Từ đủ 18 tuổi trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong lực lượng Cảnh vệ.
  • Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với tính chất đặc thù công tác cảnh vệ.

Tùy vào vị trí, tính chất công việc mà Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ.

  1. Các thiệt hại không thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Ngày 20/6/2017, Quốc hội thông qua Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước và chính thức áp dụng từ ngày 01/7/2018.

Theo đó, thiệt hại thuộc các trường hợp sau thì Nhà nước không bồi thường:

  • Thiệt hại xảy ra do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại;
  • Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;
  • Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Xem thêm các trường hợp khác trong hoạt động tố tụng hình sự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và trong hoạt động thi hành án dân sự Nhà nước không bồi thường thiệt hại.

  1. 04 yêu cầu cần có của người được giao SD vũ khí, vật liệu nổ

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, thay thế Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo đó, đưa ra 04 yêu cầu bắt buộc đối với người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;
  • Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án;
  • Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

>> Còn nữa...

1064 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;