Tôi muốn biết danh mục hàng dự trữ quốc gia có những mặt hàng nào? Tiêu chí để mặt hàng đó xếp vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia? - Văn Gia (Kiên Giang)
Thế nào là hàng dự trữ quốc gia? Danh mục hàng dự trữ quốc gia (Hình từ Internet)
1. Thế nào là hàng dự trữ quốc gia?
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Dự trữ quốc gia 2012, hàng dự trữ quốc gia là vật tư, thiết bị, hàng hóa trong Danh mục hàng dự trữ quốc gia do Nhà nước quản lý, nắm giữ để sử dụng vào mục tiêu dự trữ quốc gia.
Cụ thể, hoạt động dự trữ quốc gia là việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự toán ngân sách về dự trữ quốc gia; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật; quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia.
(Khoản 2 Điều 4 Luật Dự trữ quốc gia 2012)
2. Danh mục hàng dự trữ quốc gia
Cụ thể tại khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia 2012, danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng sau đây:
- Lương thực;
- Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn;
- Vật tư thông dụng động viên công nghiệp;
- Muối trắng;
- Nhiên liệu;
- Vật liệu nổ công nghiệp;
- Hạt giống cây trồng;
- Thuốc bảo vệ thực vật;
- Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản;
- Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người;
- Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản;
- Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.
3. Tiêu chí các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia
Các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia quy định tại Điều 3 Luật Dự trữ quốc gia 2012 và một trong các tiêu chí sau đây:
- Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách;
- Là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế;
- Là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.
(Khoản 1 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia 2012)
4. Nguyên tắc và nội dung xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia
* Nguyên tắc xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia
- Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ trong từng thời kỳ;
- Phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước;
- Căn cứ vào dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tình huống đột xuất, cấp bách có khả năng xảy ra.
* Nội dung chiến lược dự trữ quốc gia
- Mục tiêu dự trữ quốc gia, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế;
- Nguồn lực dự trữ quốc gia; kế hoạch bố trí dự trữ quốc gia theo các khu vực, địa bàn chiến lược; bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; sẵn sàng ứng phó với tình huống đột xuất, cấp bách;
- Định hướng phát triển dự trữ quốc gia;
- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện chiến lược dự trữ quốc gia.
(Khoản 1 và 2 Điều 23 Luật Dự trữ quốc gia 2012)
5. Các hành vi bị cấm trong dự trữ quốc gia
Theo Điều 22 Luật Dự trữ quốc gia 2012, các hành vi bị cấm trong dự trữ quốc gia bao gồm:
- Tiết lộ bí mật nhà nước về dự trữ quốc gia.
- Lợi dụng việc nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia, tự ý thay đổi giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia để trục lợi.
- Thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định về quản lý dự trữ quốc gia gây hư hỏng, mất mát, lãng phí tài sản thuộc dự trữ quốc gia.
- Xâm phạm, phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật, hàng hóa dự trữ quốc gia.
- Cản trở hoạt động dự trữ quốc gia.
- Sử dụng hàng dự trữ quốc gia sai mục đích.
- Nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia không đúng thẩm quyền, không đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, địa điểm.
- Can thiệp trái pháp luật trong hoạt động dự trữ quốc gia.
- Thực hiện không đúng; các quy định của pháp luật về kế toán, thống kê trong hoạt động dự trữ quốc gia.
- Thuê tổ chức, doanh nghiệp không đủ điều kiện bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- hàng dự trữ quốc gia