Thế nào là giám sát ngân hàng? 05 điều cần biết về giám sát ngân hàng

Xin cho tôi hỏi thế nào là giám sát ngân hàng? Việc giám sát ngân hàng được thể hiện qua các nội dung gì? - Ngân Hà (Quảng Nam)

Thế nào là giám sát ngân hàng? 05 điều cần biết về giám sát ngân hàng

Thế nào là giám sát ngân hàng? 05 điều cần biết về giám sát ngân hàng (Hình từ Internet)

1. Thế nào là giám sát ngân hàng?

Theo khoản 12 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, giám sát ngân hàng là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đối tượng giám sát ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc giám sát ngân hàng đối với mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát hoặc phối hợp giám sát công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

(Điều 56 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

3. Nội dung giám sát ngân hàng

Cụ thể tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 26/2014/NĐ-CP, việc giám sát ngân hàng được thể hiện qua các nội dung sau đây:

- Thu thập, tổng hợp và xử lý các tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát; kết hợp giám sát an toàn toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng với giám sát an toàn của từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng;

- Phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, rủi ro mang tính hệ thống; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng hằng năm theo mức độ an toàn;

- Phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng; các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng;

- Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.

4. Nguyên tắc giám sát ngân hàng

Việc giám sát ngân hàng được thực hiện dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Nghị 26/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương.

- Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng.

- Thanh tra ngân hàng được tiến hành theo đoàn thanh tra hoặc do thanh tra viên ngân hàng thực hiện.

- Giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục.

- Kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng; kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra ngân hàng và giám sát ngân hàng.

- Thực hiện thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng.

- Thực hiện theo quy định Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 với quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trình tự, thủ tục thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng.

- Nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

5. Các biện pháp xử lý đối tượng giám sát ngân hàng

- Đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Tuỳ theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng:

+ Hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản;

+ Hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động;

+ Hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng;

+ Yêu cầu tổ chức tín dụng phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

+ Yêu cầu tổ chức tín dụng phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần; cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối phải chuyển nhượng cổ phần;

+ Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng;

+ Áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn mức quy định.

(Điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010)

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
659 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;