Tôi muốn hỏi quy trình kiểm tra trực tiếp định kỳ trong hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện như thế nào? - Hà Phương (Lâm Đồng)
Quy trình kiểm tra trực tiếp định kỳ trong hoạt động dịch vụ kế toán (Hình từ Internet)
Quy trình kiểm tra trực tiếp định kỳ trong hoạt động dịch vụ kế toán được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BTC bao gồm 4 giai đoạn, cụ thể như sau:
1. Giai đoạn chuẩn bị kiểm tra
- Lựa chọn đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán được kiểm tra
Hàng năm, Bộ Tài chính căn cứ vào thời hạn kiểm tra quy định tại Điều 7 Thông tư 09/2021/TT-BTC để lựa chọn danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán được kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán và công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
- Thành lập Đoàn kiểm tra
Bộ Tài chính thành lập các Đoàn kiểm tra trực tiếp và chỉ định Trưởng Đoàn kiểm tra, đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan và phù hợp với trình độ, năng lực của từng thành viên Đoàn kiểm tra nhằm hoàn thành mục tiêu và nội dung của cuộc kiểm tra.
- Thông báo cho đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán được kiểm tra
Bộ Tài chính thông báo kế hoạch kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán bằng văn bản cho từng đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 10 ngày làm việc trước ngày bắt đầu cuộc kiểm tra.
Thông báo kiểm tra phải bao gồm mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, thời gian kiểm tra, danh mục tài liệu mà đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán được kiểm tra phải chuẩn bị.
Trong các trường hợp có lý do bất khả kháng hoặc lý do khách quan, việc thay đổi thời gian kiểm tra trực tiếp tại đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 09/2021/TT-BTC.
2. Giai đoạn thực hiện kiểm tra
- Bước 1: Đoàn kiểm tra làm việc với đối tượng được kiểm tra
+ Trưởng Đoàn kiểm tra công bố Quyết định kiểm tra của cơ quan chủ trì kiểm tra về việc kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán;
+ Yêu cầu đối tượng được kiểm tra bố trí người có chức năng, thẩm quyền phù hợp để phối hợp công việc với Đoàn kiểm tra;
+ Đại diện đối tượng được kiểm tra báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động, quy trình cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng;
+ Thực hiện ký các “Cam kết về tính độc lập và bảo mật của thành viên Đoàn kiểm tra” theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BTC với sự chứng kiến của đối tượng được kiểm tra;
+ Đối tượng được kiểm tra cung cấp các hồ sơ, tài liệu đã được yêu cầu cho Đoàn kiểm tra.
- Bước 2: Thực hiện kiểm tra các nội dung theo Quyết định kiểm tra.
+ Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hành nghề, kinh doanh dịch vụ kế toán và pháp luật kế toán liên quan, các thủ tục thực hiện bao gồm:
(i) Kiểm tra, rà soát các hồ sơ, tài liệu liên quan đến đăng ký hành nghề và kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra;
(ii) Kiểm tra các hồ sơ, tài liệu đảm bảo điều kiện duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra;
(iii) Kiểm tra, rà soát các hồ sơ, tài liệu về tình hình tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, thông báo theo quy định của đối tượng được kiểm tra;
(iv) Kiểm tra các hồ sơ, tài liệu về tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của đối tượng được kiểm tra;
(v) Đánh giá về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về hành nghề và kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra.
- Kiểm tra tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan, các thủ tục thực hiện bao gồm:
+ Lựa chọn các hồ sơ liên quan đến hợp đồng dịch vụ kế toán để kiểm tra theo quy định tại Điều 17 Thông tư 09/2021/TT-BTC;
+ Kiểm tra hồ sơ, tài liệu để xem xét thủ tục, quy trình cung cấp dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra theo quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan;
+ Thực hiện rà soát, kiểm tra và thu thập bằng chứng thích hợp để xem xét, đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra trên cơ sở bảng tiêu chí đánh giá được hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BTC;
+ Đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của từng hồ sơ được kiểm tra.
3. Giai đoạn kết thúc kiểm tra
- Kết thúc cuộc kiểm tra trực tiếp, Đoàn kiểm tra phải lập dự thảo Biên bản kiểm tra, trao đổi dự thảo Biên bản kiểm tra với người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm tra.
Sau khi thông qua Biên bản kiểm tra, người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra có trách nhiệm ký Biên bản kiểm tra ngay sau khi kết thúc cuộc kiểm tra.
Nếu đối tượng được kiểm tra có nội dung chưa nhất trí với các ý kiến đánh giá hoặc ý kiến kết luận của Đoàn kiểm tra thì đối tượng được kiểm tra ghi rõ trong Biên bản kiểm tra.
Trường hợp phát hiện đối tượng được kiểm tra có hành vi vi phạm hành chính thì Đoàn kiểm tra phải lập và gửi Biên bản vi phạm hành chính kèm theo tài liệu, hồ sơ liên quan cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Biên bản kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán bao gồm các nội dung sau:
+ Thời gian và địa điểm kiểm tra, đối tượng kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra, mục đích, phạm vi kiểm tra và các giới hạn kiểm tra (nếu có);
+ Mô tả khái quát doanh nghiệp được kiểm tra và đặc điểm chung của cuộc kiểm tra;
+ Mô tả tóm tắt quy trình kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại đơn vị được kiểm tra;
+ Kết quả kiểm tra bao gồm:
(i) Mô tả và nêu ý kiến đánh giá về tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về hành nghề và kinh doanh dịch vụ kế toán;
(ii) Mô tả và nêu ý kiến đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan;
(iii) Nêu rõ lý do, căn cứ đưa ra ý kiến kết luận kiểm tra về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra;
(iv) Mô tả các thiếu sót lớn, mang tính hệ thống và kiến nghị biện pháp giải quyết khắc phục sửa chữa (nếu có).
4. Giai đoạn sau kiểm tra
- Xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về kết quả kiểm tra (nếu có).
- Cơ quan chủ trì kiểm tra lập, công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BTC.
Thanh Rin