Đơn vị tiền tệ trong kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự

Cho tôi hỏi đơn vị tiền tệ trong kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự được quy định thế nào? - Quý Long (Bến Tre)

Đơn vị tiền tệ trong kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự

Đơn vị tiền tệ trong kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau;

1. Đơn vị tiền tệ trong kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự

Theo Điều 3 Thông tư 78/2020/TT-BTC quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự như sau:

- Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự sử dụng đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán. Trường hợp thu - chi bằng ngoại tệ phải ghi sổ theo nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán.

- Đối với vàng, bạc, đá quý khi thu vào, xuất ra để tạm giữ hay thanh toán trả cho đương sự thì phải theo dõi số lượng, trọng lượng và quy ra tiền theo đơn giá hạch toán, đồng thời theo dõi chi tiết số lượng, trọng lượng, phẩm cấp và giá trị vàng, bạc, đá quý theo từng quyết định thi hành án.

- Trường hợp phải thanh toán bằng ngoại tệ hoặc vàng, bạc, đá quý thì căn cứ vào quyết định thi hành án dân sự thanh toán bằng ngoại tệ hoặc vàng, bạc, đá quý. 

Trường hợp một trong các bên có yêu cầu xin thanh toán bằng các phương thức khác so với quyết định thi hành án thì do các bên trực tiếp thỏa thuận trên cơ sở số lượng ghi trong quyết định thi hành án.

- Giá hạch toán trên cơ sở giá trị tài sản, vật chứng tạm giữ do Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Kế toán tự xác định căn cứ biểu giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hoặc giá của thị trường tại thời điểm ghi sổ. 

Trường hợp không thể xác định được giá hạch toán thì hạch toán theo giá quy ước.

Giá hạch toán được phép tính tròn số và sử dụng trong suốt quá trình thi hành án của mỗi quyết định thi hành án cụ thể, nhưng không được sử dụng làm căn cứ bán đấu giá, trao đổi, thanh toán bằng tiền thay ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và tài sản khác hoặc làm căn cứ thu phí. 

Trường hợp có căn cứ xác định giá hạch toán (tăng hoặc giảm) thì đơn vị phải ghi sổ bổ sung (tăng hoặc giảm) giá hạch toán phần chênh lệch so với số đã ghi sổ trước đó.

- Trường hợp vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, tài sản khác là vật chứng tạm giữ của các vụ án trong thời gian chờ xử lý được bảo quản trong các túi hoặc kiện niêm phong được gửi tại KBNN;

Hoặc để trong kho tạm giữ của cơ quan Thi hành án dân sự mà không xác định được giá trị tương đương thì được tính theo giá quy ước để ghi sổ kế toán trên tài khoản ngoài bảng.

- Kế toán hiện vật sử dụng đơn vị đo lường chính thức của Nhà nước Việt Nam (như cái, chiếc, kg, hộp, chai, mét). Trường hợp cần thiết có thể dùng đơn vị đo lường phụ để kiểm tra, đối chiếu hoặc phục vụ cho kế toán chi tiết nhưng sau đó phải quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức.

2. Nhiệm vụ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự

Nhiệm vụ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự theo Điều 7 Thông tư 78/2020/TT-BTC như sau:

* Nhiệm vụ kế toán tại Cục và Chi cục Thi hành án dân sự:

- Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán của hoạt động thi hành án dân sự và tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng trong quá trình thi hành án của đơn vị. Mở sổ kế toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo đúng quy định.

- Kiểm tra, giám sát các khoản thu của các đối tượng; các khoản chi trả, hoàn trả cho các đối tượng; các khoản nộp ngân sách nhà nước; tình hình nhập, xuất quỹ, tình hình quản lý tài sản tạm giữ, vật chứng trong quá trình thi hành án; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính kế toán trong thi hành án dân sự.

- Theo dõi, giám sát và quản lý các khoản thu về thi hành án do các trại giam thực hiện.

- Định kỳ hàng tháng, quý, năm đối chiếu chi tiết sổ thu - chi, nhập - xuất tiền và tài sản giữa sổ kế toán với từng hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên (nếu có phát sinh) để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm những tồn đọng hoặc chênh lệch phát sinh theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, tài chính và thi hành án dân sự. 

Đối với hồ sơ thi hành án xong phải đối chiếu trước khi duyệt đưa hồ sơ vào lưu trữ.

- Lập, nộp đúng hạn, đầy đủ các báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự, báo cáo tài chính theo quy định; Đối với Cục Thi hành án dân sự ngoài việc lập báo cáo phát sinh tại tỉnh, còn phải tổng hợp số liệu và lập báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự toàn tỉnh gửi cho Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.

- Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án nhằm giúp cho Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan quản lý cấp trên nắm được tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng cũng như hoạt động thi hành án của đơn vị.

- Cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện chế độ tài chính, kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự ở các đơn vị trực thuộc.

* Nhiệm vụ của kế toán tại Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp:

- Hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự đối với các cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới.

- Tổng hợp báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự của các Cục Thi hành án dân sự để báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp.

- Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án nhằm giúp cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp nắm được tình hình hoạt động và kết quả hoạt động thu - chi thi hành án dân sự trong toàn hệ thống.

* Khi thay đổi Kế toán, Kế toán trưởng, Thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền đối với hoạt động kế toán nghiệp vụ thi hành án thì đơn vị phải tổ chức việc bàn giao theo quy định. 

Kết thúc bàn giao phải lập biên bản bàn giao, trong biên bản bàn giao phải ghi đầy đủ tình hình tài chính của hoạt động nghiệp vụ thi hành án, gồm: 

Các khoản tiền mặt còn tồn quỹ, tiền còn gửi tại Ngân hàng, Kho bạc; số tiền đã thu phải trả, đã trả, còn phải trả cho người được thi hành án theo từng quyết định thi hành án; số tiền đã nộp ngân sách, các khoản đã thu, đã chi về thi hành án theo từng quyết định thi hành án. 

Phải thực hiện bàn giao những công việc kế toán còn phải giải quyết tiếp và toàn bộ tài liệu kế toán liên quan đến nghiệp vụ thu, chi thi hành án của từng quyết định thi hành án. Biên bản bàn giao phải có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan và có chứng kiến của Thủ trưởng đơn vị.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
631 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;