Tôi có một thắc mắc mong được ban tư vấn trả lời: Tôi đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội. Tôi nghe nói đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ giao quyền thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Vậy cho tôi hỏi về phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công như thế nào? Xin cảm ơn!
Xây dựng phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 35 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công như sau:
- Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc
+ Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo đơn vị sự nghiệp công cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên.
+ Đơn vị sự nghiệp công cấp trên xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị (không bao gồm phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc đã quy định tại điểm a khoản này) gửi cơ quan quản lý cấp trên.
Đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ giao quyền thực hiện cơ chế tự chủ tài chính
Xem xét, thẩm tra dự toán của cơ quan quản lý cấp trên?
Căn cứ khoản 3 Điều 35 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về việc xem xét, thẩm tra dự toán của cơ quan quản lý cấp trên như sau:
- Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các đơn vị sự nghiệp công đề xuất (không bao gồm phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tại điểm a khoản 2 Điều này), cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp) xem xét, có ý kiến.
- Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; phê duyệt dự toán kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định.
Trên đây là quy định về việc đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ giao quyền thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
Khánh Linh