Các khoản thu, chi trong ngân sách nhà nước

Tôi muốn biết ngân sách nhà nước tiến hành việc thu, chi thông qua những khoản nào? - Kim Chi (Bạc Liêu)

Các khoản thu, chi trong ngân sách nhà nước

Các khoản thu, chi trong ngân sách nhà nước (Hình từ Internet)

1. Thế nào là ngân sách nhà nước?

Theo khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015, ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Trong đó,ngân sách nhà nước bao gồm:

- Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.

- Ngân sách trung ương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương.

 (Khoản 13, 15 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015)

2. Các khoản thu, chi trong ngân sách nhà nước

2.1. Các khoản thu ngân sách nhà nước

Cụ thể theo Điều 2 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, các khoản thu ngân sách nhà nước bao gồm:

- Thuế do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của các luật thuế.

- Lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật.

- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ.

- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.

- Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, gồm:

+ Lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

+ Các khoản thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế;

+ Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước;

+ Thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước;

+ Chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

+ Thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (bao gồm cả gốc và lãi), trừ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

- Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý.

- Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

- Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

- Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật.

- Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương.

- Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước 2015.

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Các khoản chi ngân sách nhà nước

Các khoản chi ngân sách nhà nước bao gồm:

- Chi đầu tư phát triển

+ Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 163/2016/NĐ-CP;

+ Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng; các tổ chức kinh tế; các tổ chức tài chính của trung ương và địa phương; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

- Chi dự trữ quốc gia.

- Chi thường xuyên cho các lĩnh vực:

+ Quốc phòng;

+ An ninh và trật tự, an toàn xã hội;

+ Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

+ Sự nghiệp khoa học và công nghệ;

+ Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

+ Sự nghiệp văn hóa thông tin;

+ Sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn;

+ Sự nghiệp thể dục thể thao;

+ Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

+ Các hoạt động kinh tế;

+ Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

+ Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.

- Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vay.

- Chi viện trợ của ngân sách trung ương cho các Chính phủ, tổ chức ngoài nước.

- Chi cho vay theo quy định của pháp luật.

- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính.

- Chi chuyển nguồn từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau.

- Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

(Khoản 3 Điều 3 Nghị định 163/2016/NĐ-CP)

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1536 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;