Từ năm 2021, người lao động chấm dứt HĐLĐ như thế nào cho đúng luật?

Bộ luật Lao động 2019 chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là sẽ có hiệu lực thi hành, BLLĐ 2019 ban hành với nhiều quy định mới so với BLLĐ 2012, trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi của việc chấm dứt hợp đồng lao động.

chấm dứt HĐLĐ, Bộ luật Lao động 2019

Từ năm 2021, người lao động chấm dứt HĐLĐ như thế nào cho đúng luật? (Hình minh họa)

Theo đó, kể từ 01/01/2021 cũng là thời điểm Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, người lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động theo các trường hợp dưới đây sẽ là đúng luật

1. Đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động

- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

- Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

- Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

- Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

So với Bộ luật Lao động 2012, BLLĐ 2019 đã mở rộng trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động lên tới 13 trường hợp, hơn 03 trường hợp so với BLLĐ 2012 .

2. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trường hợp 1: Chấm dứt HĐLĐ phải báo trước có thời hạn

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

  • Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tại Bộ luật Lao động 2019, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã được nâng lên, nhiều chuyên gia cho rằng BLLĐ 2019 được ban hành theo hướng có lợi cho NLĐ nhiều hơn là NSDLĐ.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng là một phần quyền lợi được nâng lên của NLĐ. Nếu theo BLLĐ 2012 thì NLĐ ký hợp đồng xác định thời hạn khi muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải thuộc trường hợp luật quy định và phải báo trước thời hạn. Tuy nhiên, qua BLLĐ 2019 thì NLĐ chỉ cần báo trước đúng thời hạn mà không cần thuộc bất kỳ trường hợp nào.

Có thể hiểu đơn giản rằng khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo BLLĐ 2012 cần hai điều kiện, nhưng theo BLLĐ 2019 thì chỉ cần một điều kiện.

Trường hợp 2: Chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Đây là quy định hoàn toàn mới so với Bộ luật Lao động 2012. Nhà làm luật đã dựa vào những trường hợp thực tế trong khi áp dụng BLLĐ 2012 và những bất cập của BLLĐ 2012 để ban hành ra Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước cho một số trường hợp đặc biệt.

Trên đây là những trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, nếu người lao động chấm dứt HĐLĐ mà không thuộc những trường hợp trên sẽ được xét vào diện chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và phải thực hiện nghĩa vụ theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể NLĐ sẽ:

  • Không được trợ cấp thôi việc;

  • Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước;

  • Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.​

Lê Hải

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3077 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;