Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được xây dựng bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo đó, nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đưa ra 02 phương án về tuổi nghỉ hưu của người lao động, cụ thể là:
- Phương án 1: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
- Phương án 2: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Có thể thấy so với phương án 2 thì phương án 1 quy định độ tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021 và mức tăng độ tuổi nghỉ hưu qua mỗi năm là thấp hơn. Tuy nhiên cả hai phương án đều đưa ra mức giới hạn về độ tuổi nghỉ hưu giống nhau, là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Như vậy, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cả hai giới, đối với nam là tăng 2 tuổi (quy định hiện hành độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi) và đối với với nữ là tăng 5 tuổi (quy định hiện hành độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi).
Xem nội dung chi tiết tại Điều 170 Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.
Duy Thịnh