Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đáng chú ý là nội dung sửa đổi, bổ sung về điều kiện sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Dự thảo này, khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
- Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi. (Quy định hiện hành là phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi).
- Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
- Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần khi sử dụng. (Đây là điều kiện mới được bổ sung thêm tại Dự thảo, theo đó, từ ngày 01/01/2021, để sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có giấy khám sức khỏe xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc và định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần doanh nghiệp phải tổ chức kieẻm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động chưa đủ 15 tuổi).
- Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
Đồng thời, người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Lưu ý, người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Nguyễn Trinh