Từ 2021, trường hợp nào NLĐ nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương?

Từ ngày 01/01/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, những trường hợp nào người lao động được nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương?

nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương

Từ 2021, trường hợp nào NLĐ nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương? (Ảnh minh họa)

Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin tổng hợp các trường hợp người lao động được nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương từ ngày 01/01/2021, cụ thể gồm:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết

Theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật lao động 2019, NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

  • Tết Âm lịch: 05 ngày;

  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Bên cạnh đó, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

2. Người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương

Căn cứ Điều 113 Bộ Luật lao động 2019 quy định NLĐ làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

  • 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

  • 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đồng thời, NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Lưu ý: Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

3. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương

Tại Điều 115 Bộ Luật lao động 2019 quy định NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

  • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

4. Người lao động nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương theo các trường hợp khác

Bên cạnh các trường hợp NLĐ nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương được nêu trên, NLĐ nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương theo các trường hợp dưới đây:

  • Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. (Theo khoản 4 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019)

  • Trong trường hợp nghỉ do phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. (Theo khoản 1 Điều 99 Bộ Luật lao động 2019)

  • Trường hợp NSDLĐ tạm đình chỉ công việc của NLĐ khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh và NLĐ không không bị xử lý kỷ luật lao động thì được NSDLĐ trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. (Theo khoản 4 Điều 128 Bộ Luật lao động 2019)

Như vậy, trên đây là những trường hợp người lao động nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2021, người lao động cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, từ năm 2021 sẽ tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh (02/9) lên 02 ngày, thay vì 01 ngày như trước.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
781 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;