Trên cơ sở của Bộ Luật lao động 2019 , Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2021, NLĐ làm việc ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn sẽ được nghỉ hưu sớm.
Từ 2021, NLĐ làm việc ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn sẽ được nghỉ hưu sớm (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật lao động 2019, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với người lao động trong điều kiện lao động bình thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do đó, tại Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP đã quy định người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (nghỉ hưu trước tuổi) nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu (đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ), trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
-
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
-
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021. (Lưu ý: Bộ trưởng BLĐTBXH ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)
-
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
-
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do BLĐTBXH ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021 từ đủ 15 năm trở lên.
Hiện nay, tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật lao động 2012 chỉ quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người lao động trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, từ năm 2021, người lao động có đủ từ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021 từ đủ 15 năm trở lên) thì được nghỉ hưu sớm hơn so với người lao động làm việc ở điều kiện lao động bình thường, tuy nhiên, người lao động nghỉ hưu sớm không quá 05 tuổi so với 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và quá 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ vào năm 2021; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất tại Dự thảo Thông tư về Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn một số huyện, xã ở 23 tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn vào năm 2021 bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Kiên Giang. Chi tiết danh mục 23 tỉnh vùng ĐBKK sẽ được nghỉ hưu trước tuổi, Quý Khách hàng và Thành viên có thể tải về tại đây:
File excel danh mục 23 tỉnh vùng ĐBKK sẽ được nghỉ hưu trước tuổi
Ty Na