Từ 01/01/2021, người lao động được hưởng tiền lương như thế nào?

Tiền lương luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với người lao động. Vậy, từ ngày 01/01/2021 Bộ Luật lao động 2019 sẽ chính thức được áp dụng, người lao động được hưởng tiền lương như thế nào?

tiền lương

Từ ngày 01/01/2021, người lao động được hưởng tiền lương và phép năm như thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 90 Bộ Luật lao động 2019 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Đồng thời, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Do đó, người lao động cần biết 06 quy định về việc hưởng lương sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2021 như sau:

1. Về nguyên tắc trả lương cho người lao động

Căn cứ tại Điều 94 Bộ Luật lao động 2019, NSDLĐ phải trả lương cho NLĐ theo nguyên tắc sau:

  • Phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp;

  • Không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;

  • Không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

2. Về hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương cho NLĐ

Theo quy định tại Điều 96 Bộ Luật lao động 2019, hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương cho NLĐ như sau:

  • Thỏa thuận theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán;

  • Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. (Lưu ý: Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương).

Bên cạnh đó, tại Điều 97 Bộ Luật lao động 2019, kỳ hạn trả lương của NLĐ được quy định như sau:

  • NLĐ được hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần;

  • NLĐ hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên (Lưu ý: nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng);

  • Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng thì NSDLĐ  không được chậm trả lương cho NLĐ quá 30 ngày. Đồng thời, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng.

3. Về việc trả tiền lương làm tăng ca cho NLĐ

Căn cứ tại Điều 98 Bộ Luật lao động 2019, quy định NSDLĐ phải trả lương cho NLĐ theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm khi sử dụng lao động tăng ca như sau:

  • Làm thêm vào ngày thường: ít nhất bằng 150%;

  • Làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200%;

  • Làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương: ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

  • NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Ngoài việc trả lương theo quy định trên, NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

4. Tiền lương ngừng việc cho NLĐ

Theo Điều 99 Bộ Luật lao động 2019, trong trường hợp NLĐ phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

  • Nếu do lỗi của NSDLĐ  thì NLĐ được trả đủ tiền lương theo HĐLĐ;

  • Nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương.

Bên cạnh đó, trong trường hợp vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động hoặc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc như sau:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

5. Tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương

Theo quy định tại Điều 101 Bộ Luật lao động 2019, NLĐ được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi. Đồng thời, khi nghỉ hằng năm, NLĐ được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ. Tuy nhiên, NLĐ cần lưu ý, NLĐ nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Bên  cạnh đó, tại Điều 102 Bộ Luật lao động 2019 quy định NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động, tuy nhiên NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

Lưu ý:  Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

6. Các trường hợp NLĐ nghỉ việc nhưng vẫn hưởng nguyên lương

Theo quy định của Bộ Luật lao động 2019, NLĐ nghỉ việc nhưng vẫn hưởng nguyên lương nếu thuộc các trường hợp sau:

  • NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết;

  • NLĐ làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ hằng năm thì được hưởng nguyên lương;

  • NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương;

  • Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc thì vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

  • NLĐ nghỉ do phải ngừng việc do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

  • NSDLĐ tạm đình chỉ công việc của NLĐ khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh và NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động thì NLĐ được hưởng nguyên lương.

Chi tiết xem tại đây: Từ 2021, trường hợp nào NLĐ nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương?

Trên đây là toàn bộ những quy định về việc hưởng lương của người lao động sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2021. Do đó, NLĐ cần phải biết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cho bản thân.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4481 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;