Đây là nội dung hoàn toàn mới tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp trên mạng, dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2021.
Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động
Cụ thể, theo Dự thảo này, trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động 2019 được quy định như sau:
1. Khi phát hiện người lao động có hành vi gây thiệt hại về tài sản thì người sử dụng lao động yêu cầu người lao động tường trình bằng văn bản về vụ việc.
2. Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 18 Nghị định này, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại như sau:
- Ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự bao gồm: người lao động, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, thẩm định viên về giá (nếu có). Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm.
- Trường hợp một trong các thành phần nêu trên không thể tham dự theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định.
- Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại các nội dung trên. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản này vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người phải tham dự theo quy định có mặt tại cuộc họp, trường hợp không ký vào biên bản thì ghi rõ lý do.
4. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự theo quy định.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định cụ thể về thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại như sau:
- Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 04 tháng kể từ ngày phát hiện hành vi gây thiệt hại về tài sản của người lao động.
- Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động.
- Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Hiện tại, các quy định về bồi thường thiệt hại cũng đã được đề cập tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tuy nhiên về trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại không được quy định cụ thể mà chỉ được quy định chung chung là sẽ được áp dụng theo trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.
Nguyễn Trinh