Vào thời điểm gần Tết Âm lịch 2021, “lương tháng 13, thưởng tết” là một trong những vấn đề được người lao động quan tâm nhiều nhất. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc chi trả lương tháng 13 cho người lao động? Lương tháng 13 có phải đóng thuế thu nhập cá nhân, BHXH không?
1. Có bắt buộc chi trả lương tháng 13 cho người lao động
“Lương tháng 13” là cụm từ không được quy định trong bất kỳ văn bản luật nào, có thể hiểu lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng cuối năm mà doanh nghiệp dùng để chi trả cho người lao động để làm động lực thúc đẩy NLĐ tích cực làm việc, thu hút nguồn nhân lực giỏi cho doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động 2019 “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.
Quy định này không thể hiện rõ lương tháng 13 là thưởng tết (vì ở một số công ty có cả tháng lương thứ 13 và thưởng Tết), tuy nhiên có thể thấy rằng, doanh nghiệp không bắt buộc chi trả lương tháng 13 cho người lao động, việc có chi trả lương tháng 13 hay không phụ thuộc vào:
(i) Kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động
(ii) Có thỏa thuận về lương tháng 13 trong hợp đồng lao động hay không?
(iii) Có được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể hay không?
NLĐ cần lưu ý quy định này, bởi trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, NLĐ không hoàn thành công việc theo kế hoạch thì rất nhiều khả năng là sẽ không được nhận lương tháng 13.
2. Lương tháng 13 có phải đóng thuế thu nhập cá nhân
Lương tháng 13 có thể xem là một khoản tiền thưởng được doanh nghiệp chi trả cho người lao động. Do đó NLĐ nhận được lương tháng 13 phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
…
e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:...
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì “Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng”. Do đó người lao động chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân sau khi đã trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng và là 4,4 triệu đồng/tháng (đối với mỗi người phụ thuộc) mà vẫn còn dương.
3. Lương tháng thứ 13 có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như:
- Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động 2012 (nay là Điều 104 Bộ luật lao động 2019) , tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Như vậy, tiền thưởng của NLĐ bao gồm cả tiền lương tháng 13, thưởng tết,... không làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.
Thu Ba