Đình công là một trong những quyền của người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019 . Tuy nhiên, người lao động phải thực hiện quyền đình công của mình theo đúng quy định pháp luật.
- Đình công là gì? Các trường hợp đình công bất hợp pháp
- Từ 01/01/2021, được ký hợp đồng XĐ thời hạn nhiều lần với người cao tuổi
Thực hiện quyền đình công như thế nào là đúng quy định pháp luật? (Ảnh minh họa)
Theo đó, quyền đình công của người lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 như sau:
1. Thế nào là đình công theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019
Theo quy định tại Điều 198 Bộ Luật Lao động 2019, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Từ khái niệm trên có thể thấy đình công đúng luật có những đặc điểm sau:
Một là, đình công là sự ngừng việc tạm thời của người lao động.
Hai là, đình công phải dựa trên cơ sở tự nguyện của những người lao động tham gia đình công.
Ba là, đình công luôn có tính tổ chức.
Bốn là, mục đích của đình công là nhằm đạt được yêu cầu của người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Việc pháp luật cho phép người lao động được đình công là nhằm bảo vệ quyền lợi khi bị người sử dụng lao động “chèn ép”. Đây được xem là biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của tập thể lao động để đòi người sử dụng lao động thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và đòi thỏa mãn quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng quyền này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, pháp luật cũng quy định quyền đình công phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
2. Khi nào người lao động được thực hiện quyền đình công
Theo quy định của Bộ luật Lao động, quyền đình công của người lao động được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;
(2) Do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo;
(3) Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
Cụ thể, việc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải được xác định như sau: Nếu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu mà hòa giải viên lao động không kết thúc việc hòa giải thì người lao động có thể tiến hành đình công.
(4) Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Như vậy, không phải bất cứ lúc nào xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích người lao động cũng được quyền đình công mà chỉ được đình công khi có đủ các điều kiện nêu trên. Quan trọng hơn hết, trước khi tiến hành đình công, tranh chấp lao động tập thể phải được tiến hành hòa giải, chỉ khi nào hòa giải không thành, hoặc hết thời hạn hòa giải thì người lao động mới được tiến hành đình công. Bởi lẽ, pháp luật luôn đề cao tinh thần tự nguyện thỏa thuận của các bên để tìm ra lợi ích chung cao nhất cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, như đã trình bày, đình công là một biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của người lao động để đòi hỏi lợi ích nên chỉ tiến hành khi đã không thể thương lượng hay hòa giải thành công.
3. Khi đình công, quyền lợi của người lao động được giải quyết như thế nào?
- Tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có quyền sau đây:
-
Rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công;
-
Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.
- Tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công:
-
Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ Luật Lao động 2019 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động;
-
Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, kể từ ngày Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2020), quyền đình công tiếp tục là một trong những quyền quan trọng của người lao động. Quyền này được pháp luật lao động quy định như một công cụ hỗ trợ cho người lao động trong “cuộc chiến” đòi hỏi quyền lợi hợp pháp với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền hạn phải trong giới hạn pháp luật cho phép, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện và đảm bảo đình công đúng pháp luật để không gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng lao động.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019