Bộ luật Lao động 2019 cho phép một số trường hợp, các bên có thể kiện thẳng ra Tòa để yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân mà không cần thông qua hòa giải. Khi đó, thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động không qua thủ tục hòa giải như sau:
- Tranh chấp lao động là gì? Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động
- Công ty tự cho người lao động nghỉ không lương được không?
- Người lao động nước ngoài có được hưởng trợ cấp thôi việc?
Thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động không cần hòa giải (Ảnh minh họa)
1. Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động
Căn cứ Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động gồm có:
- Đơn khởi kiện có nội dung theo đúng quy định kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm; (Tải đơn khởi kiện TẠI ĐÂY)
- Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính);
- Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề, quyết định xử lý kỷ luật sa thải hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,…
- Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy phép đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp; Điều lệ, nội quy lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,...
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);
* Lưu ý: Các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu.
2. Trình tự thực hiện, giải quyết tranh chấp lao động không qua hòa giải
(1) Nộp đơn khởi kiện
Người có yêu cầu khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện như nêu tại mục 1 đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
(2) Nhận và xử lý đơn khởi kiện
- Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
(Theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự)
(3) Thụ lý vụ án
- Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án thông báo về việc đã thụ lý vụ án cho các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức có liên quan.
(Theo Điều 195, Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự)
(4) Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
(Theo Điều 197 Bộ luật Tố tụng dân sự)
(5) Đương sự gửi ý kiến đối với yêu cầu của nguyên đơn
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn kèm theo các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
(6) Chuẩn bị xét xử vụ án
Thời gian chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày Tòa thụ lý.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng.
(Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự)
(7) Xét xử sơ thẩm vụ án
Trong 01 tháng tính từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa mở phiên tòa sơ thẩm; nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài đến 02 tháng.
(Theo khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự)
(8) Giao, gửi bản án cho các bên
Trong 10 ngày, tính từ ngày Tòa tuyên án, bản án sẽ được giao, gửi cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
(9) Bản án có hiệu lực
Sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án mà không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.
(Theo Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự)
Như vậy, thông thường Tòa án sẽ cần khoảng 06 tháng để giải quyết xong tranh chấp lao động.
>> Xem thêm các trường hợp tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Tòa không cần hòa giải TẠI ĐÂY
Bảo Ngọc
- Từ khóa:
- Tranh chấp lao động