Hướng dẫn một số điều về hợp đồng lao động

Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về uỷ quyền giao kết hợp đồng lao động, tiền lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

Theo đó, hợp đồng lao động được hướng dẫn thực hiện như sau:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, chủ hộ gia đình không trực tiếp giao kết hợp đồng lao động thì có quyền thì có thể uỷ quyền giao kết hợp đồng lao động. Văn bản uỷ quyền giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp này phải theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
  • Văn bản ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho một người lao động trong nhóm phải có những nội dung chủ yếu sau:
    • Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, chữ ký của người lao động nhận ủy quyền;
    • Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, chữ ký của từng người lao động trong nhóm ủy quyền;
    • Nội dung ủy quyền, thời hạn ủy quyền.
  • Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
  • Các khoản bổ sung khác mà hai bên đã thỏa sẽ được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

  • Căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.
  • Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động. Nếu hợp đồng lao động cuối cùng do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc theo hợp đồng lao động cuối cùng không được tính trợ cấp thôi việc.
  • Người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp một lần trước khi phục viên, trợ cấp xuất ngũ đối với người lao động có thời gian làm việc ở đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước) trước ngày 01/01/1995 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó.
  • Người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm dưới 18 tháng thì trợ cấp mất việc làm của người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
  • Sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Xem thêm tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

 

 

 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
921 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;