Tăng lương tối thiểu vùng: Khó cho cả doanh nghiệp và người lao động

Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 vào ngày 02/8 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng chỉ 7,3% so với năm 2016, tức 213.000 đồng (tăng từ 180.000 đồng – 250.000 đồng/tháng tùy theo vùng).

Năm 2015 và năm 2016, Chính phủ đã tăng lương tối thiểu liên tục và mức tăng đều trên 12%. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. 

Việc tăng lương góp phần bình đẳng hơn mức thu nhập giữa các bộ phận người lao động trong xã hội. Có thể dễ dàng nhận ra tăng lương là tốt đối với người lao động, nhưng việc tăng lương luôn có tác động đa chiều và có nhiều hệ lụy về chi phí, sức cạnh tranh, ổn định tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như công bằng xã hội.

Tăng thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp

Vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận và chi phí. Tăng lương doanh nghiệp sẽ phải cõng thêm hàng loạt chi phí như:

  • Tăng chi phí nhân công do doanh nghiệp phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn;
  • Vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo đó phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng như phí công đoàn.

Để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động bền vững, mức tăng năng suất phải cao hơn mức tăng lương. Trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu của nước ta luôn cao hơn so với mức tăng năng suất. Các ngành dệt may, da giày, chế biến, thủy sản là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng lương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.  Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ít nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, vốn ít, khả năng tăng năng suất chậm chạp lại càng khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường. 

Như vậy, tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh, khả năng đầu tư tăng năng suất lao động để nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ.

Chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu và đa phần người lao động không được hưởng lợi

Trên thực tế tiền lương, thu nhập thực tế của đa số công nhân hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Lương thấp, đa số công nhân phải đi làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Trong khi doanh nghiệp thường chia cắt tiền lương, trả lương cho người lao động xấp xỉ hoặc cao hơn chút ít so với mức lương tối thiểu. Bù vào đó là các khoản phụ cấp, trợ cấp khác trả thêm cho người lao động. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp sẵn sàng cắt giảm khoản phụ cấp ngoài lương để tiết kiệm chi phí sản xuất, khiến thu nhập của người lao động bị giảm sút.

Tăng lương tối thiểu các phụ cấp kèm theo sẽ giảm tương ứng, rồi lại trừ thêm phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Rồi điệp khúc tăng lương là vật giá, giá thuê nhà trọ cũng tăng theo, cuộc sống của người lao động lại thêm khó khăn.

Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp sẵn sàng cắt giảm lao động để đuy trì doanh nghiệp, trường hợp mất việc thì khó khăn còn chồng chất hơn, bởi với họ thu nhập và việc làm đều rất quan trọng.

Như vậy, việc tăng lương nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động song nó cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Mới đây nhất, một số doanh nghiệp dệt may đã lên tiếng phản đối mức lương tối thiểu vùng 2017 vì cho rằng mức tăng là quá cao và tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp. Phương án lương tối thiểu vùng năm 2017 của Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn phải chờ Chính phủ quyết định và sẽ áp dụng nếu đồng ý thông qua.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3039 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;