Xin hỏi hiện nay, cán bộ kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh như thế nào? - Khánh Huyền (Tiền Giang)
- Bí thư Chi bộ được khuyến khích kiêm nhiệm chức danh Trưởng thôn
- Đề xuất sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh
- Tiêu chuẩn công chức cấp xã năm 2023
- Sửa đổi, bổ sung 5 nghị định về cán bộ, công chức
Quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã (Hình từ Internet)
1. Điều kiện hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 13/2019/TT-BNV, chỉ bố trí cán bộ cấp xã kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã khi cán bộ cấp xã đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh công chức cấp xã quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP) và Thông tư 13/2019/TT-BNV.
Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP), kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm.
Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:
- Loại 1: tối đa 23 người;
- Loại 2: tối đa 21 người;
- Loại 3: tối đa 19 người.
(Khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP)
Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
* Lưu ý: Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
(Khoản 1, 2 Điều 10 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP)
2. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã
Khoản 2, 3 Điều 11 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định về mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã như sau:
- Mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ cấp xã đủ điều kiện hưởng phụ cấp kiêm nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP) như sau:
+ Cán bộ cấp xã đang xếp lương theo bảng lương chức vụ mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của chức vụ kiêm nhiệm;
+ Cán bộ cấp xã đang xếp lương như công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính đang xếp cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức vụ kiêm nhiệm;
+ Cán bộ cấp xã mà kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính đang xếp của cán bộ cấp xã được bố trí kiêm nhiệm.
- Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định.
* Lưu ý: Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. (Khoản 3 Điều 10 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP)
3. Các chức danh công chức cấp xã hiện nay
Công chức cấp xã có các chức danh theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP như sau:
- Trưởng Công an;
- Chỉ huy trưởng Quân sự;
- Văn phòng – thống kê;
- Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);
- Tài chính – kế toán;
- Tư pháp – hộ tịch;
- Văn hóa – xã hội.
Văn Trọng
- Từ khóa:
- phụ cấp kiêm nhiệm