Trong quá trình làm việc người lao động (NLĐ) có thể không may gặp phải những rủi ro về tai nạn lao động (TNLĐ). Có những nguyên nhân dẫn đến TNLĐ như NLĐ thiếu ý thức, vi phạm quy định kỹ thuật trong lao động hoặc sự quản lý, tuyển dụng, đào tạo nhân công của người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa đảm bảo, sâu sát. TNLĐ cho dù xuất phát từ nguyên nhân từ đâu, lỗi của ai thì NLĐ và NSDLĐ phải có nghĩa vụ khai báo đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có quy định: Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra.
Nghị định 39/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nêu rõ việc khai báo TNLĐ phải nhanh chóng, kịp thời bằng tất cả các phương tiện có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn và cơ quan Công an cấp huyện. Cụ thể như sau:
- Đối với các vụ TNLĐ làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên thì NSDLĐ phải có trách nhiệm khai báo ngay với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an cấp huyện.
- Khi biết tin xảy ra TNLĐ chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ngoài việc thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành, người sử dụng lao động của cơ sở để xảy ra tai nạn phải khai với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn và với Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho Công an cấp huyện;
- Khi xảy ra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do TNLĐ, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với UBND cấp xã nơi xảy ra TNLĐ. Khi nhận được tin xảy ra TNLĐ làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, UBND cấp xã, nơi xảy ra tai nạn phải báo bằng cách nhanh nhất với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an cấp.
Nội dung khai báo TNLĐ được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 39.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.
Như vậy, việc khai báo thông tin về TNLĐ phải kịp thời, nhanh chóng. Mục đích của công tác khai báo TNLĐ phần nào hạn chế rủi ro tai nạn, kịp thời xử lý, giải quyết những tai nạn đã xảy ra, bảo vệ sức khỏe, tín mạng cho người lao động.
Ngoài việc khai báo TNLĐ thì NSDLĐ còn có nghĩa vụ phối hợp điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật tất cả các vụ tai nạn lao động, các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp xảy ra ở đơn vị mình cho cơ quan có thẩm quyền.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình hình TNLĐ mà các cơ quan chức năng phối hợp cùng NSDLĐ thành lập Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp Trung ương theo quy định tại Điều 11 Nghị định 39 để tiến hành các công việc thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ TNLĐ; lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan; giám định kỹ thuật, giám định pháp y; phân tích diễn biến, nguyên nhân gây TNLĐ,… để tìm ra hướng giải quyết vụ việc, trách nhiệm bồi thường cho NLĐ, đặc biệt là có thể đưa ra biện pháp khắc phục và phòng ngừa TNLĐ tương tự hoặc tái diễn có thể xảy ra trong tương lai.
Công tác điều tra tai nạn lao động phải đảm bảo chính xác, khách quan và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ.
Xem thêm hướng dẫn một số quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại Nghị định 39/2016/NĐ-CP có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2016.