Hiện nay, nhiều người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn nhưng khi hết hạn không được công ty ký tiếp hợp đồng. Vậy trường hợp NLĐ tiếp tục làm việc khi HĐLĐ đã hết hạn sẽ được giải quyết như thế nào khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực?
NLĐ tiếp tục làm việc khi HĐLĐ hết hạn: Xử lý như thế nào? (ảnh minh họa)
Hợp đồng lao động là gì ?
Theo định của pháp luật Lao động thì Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) quy định buộc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi nhận người lao động vào làm việc.
Phân loại hợp đồng
BLLĐ mới đã loại bỏ đi hình thức hợp đồng mùa vụ và chỉ quy định 02 (hai) hình thức của hợp đồng đó là:
-
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
-
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Người lao động có quyền gì khi tiếp tục thực hiện công việc dù hợp đồng hết hạn?
Tồn tại nhiều trường hợp khi hết hạn hợp đồng thì người sử dụng lao động không tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với người lao động nhưng vẫn để người lao động tiếp tục thực hiện công việc đang đảm nhiệm. Do đó, pháp luật đã để ra một thời gian nhất định để hai bên có thể thương lượng lại hợp đồng mới đó là 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới, trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết. Trong khoảng thời gian này hai bên sẽ thương lương xem có tiếp tục ký kết hợp đồng mới hay không hoặc chấm dứt hợp đồng.
-
Đối với trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Lưu ý, không áp dụng quy định này cho hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 BLLĐ 2019.
-
Đối với trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Pháp luật đã quy định theo hướng bảo vệ người lao động khi họ là bên yếu thế có kiến thức về pháp luật hạn hẹp so với người lao động. Do đó, khi tiếp tục làm việc mà không được kí tiếp hợp đồng họ vẫn được pháp luật bảo vệ và hưởng quyền lợi như trong thời gian hợp đồng còn thời hạn.
Cơ sở pháp lý: Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Long Bình
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019