Đây là một quyền lợi mà người lao động cần phải biết khi người sử dụng lao động chậm trả lương từ ngày 15 trở đi được quy định tại Bộ luật Lao động 2019.
- NLĐ cần biết 10 điểm mới về lương, thưởng kể từ ngày BLLĐ 2019 có hiệu lực
- Từ 2021, DN phải trả phí chuyển khoản nếu trả lương qua thẻ ATM cho NLĐ
NLĐ phải biết quyền lợi này khi doanh nghiệp chậm trả lương từ năm 2021 (Hình minh họa)
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Quyền lợi này hiện nay vẫn đang được áp dụng theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Tuy nhiên, kể từ 01/01/2021 là thời điểm BLLĐ 2019 có hiệu lực, thì lãi suất sẽ không áp dụng theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương nữa mà ấn định luôn là áp dụng theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Đây là điểm mới của BLLĐ 2019 so với Bộ luật Lao động 2012.
Hiện nay có rất nhiều ngân hàng có lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng cao hơn so với lãi suất tiền gửi do Ngân hàng ngà nước quy định. Vậy kể từ năm 2021, có thể khoản tiền chậm trả lương phải trả cho người lao động sẽ cao hơn so với quy định cũ tại Bộ luật Lao động 2012, tuy nhiên, mức tiền cao hay thấp phải phụ thuộc vào ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 vẫn giữ nguyên quy định về kỳ hạn trả lương như BLLĐ 2012, cụ thể:
- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động phải có trách nhiệm thực hiện đúng về kỳ hạn trả lương theo quy định trên.
Đồng thời, người lao động nên căn cứ vào kỳ hạn trả lương đã được thỏa thuận trước đó với người sử dụng lao động để khi NSLĐLĐ có chậm trả từ 15 ngày trở đi so với kỳ hạn trả lương đã thỏa thuận thì phải yêu cầu NSDLĐ trả một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương vì đây là quyền lợi của người lao động đã được pháp luật quy định rõ ràng.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019
- Tiền lương