Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 đang được lấy ý kiến, góp ý, dự kiến đưa vào áp dụng từ 01/01/2018, liên quan đến quyền lợi của người lao đông, dự thảo đưa ra 02 phương án về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, trong đó có phương án NLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do.
Theo đó, người lao động có quyền chấm dứt HĐLĐ bất kể thời điểm nào, không vì lý do gì mà chỉ cần thời hạn báo trước (để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và để phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức).
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ thời điểm nào với điều kiện phải báo trước:
- Ít nhất 45 ngày đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn;
- Ít nhất 05 ngày làm việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ.
Đồng thời, người lao động không cần phải thực hiện báo trước theo thời gian nêu trên nếu thuộc trong các trường hợp:
- Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểmlàm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thống nhất giữa các bên;
- Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thống nhất giữa các bên;
- Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động.
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Như vậy, nếu phương án này được thông qua sẽ đảm bảo quyền lợi của người lao động tốt hơn so với quy định hiện hành (có lý do + thời hạn báo trước).
Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung khác như:
- Tăng thời gian làm thêm giờ;
- Được bố trí nghỉ ít nhất 60 phút để ăn uống hàng ngày.
- Bố đẻ, mẹ đẻ kết hôn được nghỉ 01 ngày hưởng nguyên lương.