Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
- Từ 2022, để được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ sẽ rất khó khăn
- Chính thức: Có 03 hình thức NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
NLĐ đi xuất khẩu lao động được tự nghỉ việc nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định NLĐ Việt Nam đi xuất khẩu lao động có các quyền sau đây:
-
Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến NLĐ; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
-
Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; (mới hoàn toàn)
-
Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
-
Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;
-
Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài; (mới hoàn toàn)
-
Hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
-
Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần; (mới hoàn toàn)
-
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
-
Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện. (mới hoàn toàn)
Như vậy, so với Điều 44 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 (hết hiệu lực từ ngày 01/01/2022) thì tại Luật mới đã bổ sung nhiều quyền lợi chính đáng cho NLĐ Việt Nam đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, việc ghi nhận quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ bảo vệ quyền lợi cho NLĐ Việt Nam tốt hơn, nhất là khi đang làm việc tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 còn quy định NLĐ Việt Nam đi xuất khẩu lao động có các nghĩa vụ sau đây:
-
Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
-
Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với NLĐ tại nước tiếp nhận lao động;
-
Hoàn thành khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
-
Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ theo quy định; (mới hoàn toàn)
-
Làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;
-
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; (mới hoàn toàn)
-
Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh; (mới hoàn toàn)
-
Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
-
Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Có thể thấy, tại Luật mới này cũng bổ sung và sửa đổi một số quy định về nghĩa vụ của NLĐ Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2022, NLĐ sẽ có nghĩa vụ nộp tiền dịch vụ và thực hiện ký quỹ theo quy định khi đi xuất khẩu lao động.
Lưu ý: Tại Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và NLĐ để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ được quy định như sau:
-
Không quá 01 tháng tiền lương của NLĐ theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của NLĐ theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của NLĐ theo hợp đồng;
-
Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của NLĐ theo hợp đồng;
-
Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn quy định trên.
Lê Vy