NLĐ đi làm vào ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương thế nào?

Người lao động đi làm vào ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương như thế nào? – Khánh My (TP.HCM)

NLĐ đi làm vào ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương thế nào?

NLĐ đi làm vào ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương thế nào? (Hình từ internet)

Ngày 28/6/2022, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chủ trì cuộc họp về nội dung trả lời một số câu hỏi về Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trên cơ sở kết luận của Thứ trưởng Lê Văn Thanh tại cuộc họp, để có cách hiểu, thực hiện thống nhất giữa các đơn vị thuộc Bộ, Vụ Pháp chế thông báo kết luận về các nội dung trả lời một số câu hỏi về Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành như sau:

1. NLĐ đi làm vào ngày nghỉ hằng năm thì được trả lương thế nào?

Câu hỏi:

Nếu NLĐ đi làm trong những ngày nghỉ hằng năm thì NLĐ được thanh toán tiền lương như thế nào?

Hướng trả lời, hướng dẫn:

(1) Cần xác định ba quy định/nguyên tắc đã được nêu trong BLLĐ, gồm:

- Nghỉ phép năm là quyền của NLĐ. Do đó NLĐ có thể dùng hoặc không dùng. NLĐ có quyền nghỉ nhưng không có nghĩa vụ nghỉ.

- NSDLĐ có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm.

- Sẽ chỉ bị xem là làm thêm giờ và phải trả 300% khi việc đi làm của NLĐ đã được xác định là đi làm vào ngày nghỉ phép.

(2) Trường hợp lịch nghỉ hằng năm đã xác định rõ ngày nghỉ cụ thể; NLĐ đi làm vào ngày nghỉ cụ thể đã được xác định đó (do NSDLĐ huy động hoặc hai bên thỏa thuận) thì xác định là NLĐ đi làm thêm vào ngày nghỉ có hưởng lương và NSDLĐ phải trả ít nhất bằng 300% theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019.

(3) Trường hợp lịch nghỉ hằng năm không xác định ngày nghỉ cụ thể (Ví dụ: Trường hợp lịch nghỉ linh hoạt, tạo điều kiện cho NLĐ đăng ký nghỉ vào thời gian theo nhu cầu cá nhân)

Đối với trường hợp này, NSDLĐ đã dành quyền quyết định ngày nghỉ cụ thể cho NLĐ với việc quy định lịch nghỉ linh hoạt theo tháng hoặc theo năm và NLĐ phải đăng ký/thông báo trước cho NSDLĐ. Do đó, nếu NLĐ không đăng ký/thông báo thì được hiểu là NLĐ đã từ bỏ quyền nghỉ phép năm trong tháng hoặc trong năm của mình. Đồng thời, trường hợp này cũng không xác định được ngày làm việc cụ thể nào là ngày nghỉ phép của NLĐ. Vì vậy, NSDLĐ có nghĩa vụ trả lương làm việc bình thường cho NLĐ mà không có nghĩa vụ phải trả lương làm thêm giờ cho NLĐ đối với những ngày NLĐ không nghỉ hoặc không nghỉ hết phép hằng năm.

Trong trường hợp cần thiết, có thể hướng dẫn thêm cho NSDLĐ quy định trong nội quy lao động nội dung chặt chẽ hơn, cụ thể: “Trường hợp nội quy lao động hoặc quy định nội bộ của doanh nghiệp đã quy định trao quyền cho NLĐ đăng ký nghỉ phép nhưng NLĐ không đăng ký thì được coi là NLĐ từ bỏ quyền nghỉ hằng năm của mình”.

2. Về các chế độ bảo hiểm đối với người thử việc giao kết hợp đồng thử việc

Câu hỏi:

Trong thời gian làm việc theo hợp đồng thử việc, NSDLĐ có phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức NSDLĐ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 không?

Hướng trả lời, hướng dẫn:

NSDLĐ có nghĩa vụ trả, vì:

- Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 3 và khoản 1, khoản 2 Điều 24, Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 thì người thử việc là người lao động (hợp đồng thử việc vẫn chứa đầy đủ các yếu tố của quan hệ lao động, người thử việc vẫn được hưởng tiền lương).

- Việc áp dụng quy định của khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 đối với người thử việc nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa 2 nhóm đối tượng là người thử việc giao kết hợp đồng thử việc riêng và người thử việc có nội dung thử việc được ghi trong hợp đồng lao động. Người thử việc có nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc1, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, người thử việc giao kết hợp đồng thử việc riêng cần được NSDLĐ chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì người thử việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc4; khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 áp dụng cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, người lao động là người thử việc thuộc đối tượng áp dụng của khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 được bảo đảm quyền lợi này.

- Khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời gian thử việc được tính là thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ để tính trợ cấp thôi việc, nếu trong thời gian này NLĐ chưa được chi trả một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Diễm My

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
216 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;