NLĐ có được làm việc cho công ty đối thủ khi đã nghỉ việc hay không?

Thực tế hiện nay, có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp yêu cầu người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ khi đã nghỉ việc trong một khoảng thời gian vì sợ tiết lộ bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì yêu cầu này có đúng không?

Làm việc cho công ty đối thủ

NLĐ có được làm việc cho công ty đối thủ khi đã nghỉ việc hay không? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, nếu người lao động làm việc liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty thì khi ký kết hợp đồng lao động, công ty và người lao động có thể thỏa thuận nội dung này bằng văn bản về: nội dung; thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ; quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trong điều khoản thỏa thuận, công ty không được yêu cầu “người lao động không được phép tham gia một tổ chức có hoạt động kinh doanh tương tự trong trường hợp nghỉ việc”, điều này vi phạm quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định

 “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có thể giao kết hợp đồng cùng lúc với 2 công ty:

“Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.”

Do đó, không có quy định nào yêu cầu người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ cả và trong trường hợp công ty bổ sung điều khoản yêu cầu người lao động không được phép tham gia một tổ chức có hoạt động kinh doanh tương tự thì điều khoản này bị vô hiệu. Tuy nhiên, người lao động phải có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty trong thời hạn đã thỏa thuận.

Nói cách khác, nếu trong văn bản thỏa thuận đã ký có ghi rõ trong thời hạn 24 tháng kể từ sau khi chấm dứt HĐLĐ người lao động có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty thì người lao động phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Trường hợp người lao động vi phạm thỏa thuận này thì công ty cũ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi tiết bộ bí mật kinh doanh gây ra dựa trên những chứng cứ cụ thể và thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm của này gây ra.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật thì người lao động có quyền làm việc cho công ty đối thủ khi đã nghỉ việc tại công ty cũ. Tuy nhiên, người lao động có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty cũ đó trong thời hạn đã thỏa thuận giữa hai bên khi giao kết hợp đồng lao động.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1612 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;