Pháp luật lao động quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu. Vậy khi sử dụng người lao động cao tuổi, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì?
- Một số lưu ý về sử dụng người lao động cao tuổi
- DN trả lương cho người lao động phải kèm theo bảng kê chi tiết
Những vấn đề DN cần lưu ý khi sử dụng người lao động cao tuổi từ năm 2021 (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi sử dụng người lao động cao tuổi làm việc, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất: Doanh nghiệp phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động cao tuổi nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu
Theo đó, tại khoản 1 điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng thì thuộc đối tượng tham gia hiểm xã hội bắt buộc.
Mặt khác, theo khoản 9 điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp người lao động cao tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng thì doanh nghiệp sẽ không bắt buộc phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đó. Và ngược lại, trường hợp người lao động cao tuổi nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì doanh nghiệp phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đó.
Thứ hai: Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp về việc rút ngắn thời gian làm việc hằng ngày
Theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Đồng thời, doanh nghiệp không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. Trường hợp daonh nghiệp có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo quy định sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng theo quy định tại Điều 30 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Thứ ba: Doanh nghiệp và người lao động cao tuổi có thể giao kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn
Theo đó, tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi sử dụng người lao động cao tuổi, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Trên đây là 03 vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng người lao động cao tuổi làm việc. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp Quý khách hàng và Thành viên (đặc biệt là doanh nghiệp) hiểu rõ quy định của pháp luật về sử dụng người lao động cao tuổi.
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019