Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20-6-2012 và đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2-7-2012. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013.
Việc ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 1990, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Thí dụ, đối tượng, phạm vi điều chỉnh Luật Công đoàn hiện hành còn hẹp so với tình hình phát triển nhanh của các loại hình doanh nghiệp, sự đa dạng của quan hệ lao động và yêu cầu thực thi hiệu quả quyền công đoàn; chức năng, nhiệm vụ công đoàn rộng, dàn trải, thiếu tập trung, đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn trong lĩnh vực đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động... Luật Công đoàn (sửa đổi) được ban hành còn nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư ngày 28-1-2008 của BCH Trung ương Ðảng, khóa X về: "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước". Trên cơ sở đó, bảo đảm và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của công đoàn trong thời kỳ mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước. Luật Công đoàn được tiến hành sửa đổi đồng thời với sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động nhằm bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật về công nhân, lao động và công đoàn. Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 33 điều, tăng hai chương và 14 điều so với Luật Công đoàn hiện hành. Hai chương mới được bổ sung là: Chương III "Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn" và Chương V "Giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm luật về công đoàn". Một điểm mới nữa trong kết cấu của Luật, đó là tất cả các điều của Luật (sửa đổi) đã được đặt tên và sắp xếp, thể hiện nội dung cụ thể theo một tiêu chí rõ ràng, thống nhất trên cơ sở các chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn đã được Hiến pháp, Luật Công đoàn xác định.
Về mặt nội dung, bên cạnh việc giữ lại những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn hiện hành, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung một số điều khoản mới, chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn.
Trước hết, tại Chương I - Những quy định chung, Luật Công đoàn (sửa đổi) căn cứ quy định tại Ðiều 10 Hiến pháp năm 1992, tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý của công đoàn trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam. Cụ thể, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành, Luật xác định những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc cản trở thành lập và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với người lao động, cán bộ công đoàn, can thiệp vào tổ chức và hoạt động công đoàn; đồng thời bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm liên quan lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong chấp hành pháp luật công đoàn của các đối tượng áp dụng Luật.
Chương II quy định quyền, trách nhiệm của công đoàn và đoàn viên công đoàn là một trong những chương quan trọng nhất của Luật, quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo từng lĩnh vực hoạt động của công đoàn trên cơ sở chức năng của công đoàn đã được Hiến pháp quy định và xác định tại Ðiều 1 của Luật; đồng thời luật hóa từ Ðiều lệ công đoàn các quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn. Theo đó, đã quy định cụ thể các quyền, trách nhiệm chủ yếu của đoàn viên công đoàn, của công đoàn trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luật (sửa đổi) khẳng định, công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động; quy định cụ thể thêm quyền, trách nhiệm của công đoàn và đoàn viên công đoàn phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Quy định tăng thêm trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc tiếp cận doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập công đoàn cơ sở, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, hạn chế hiện nay của công đoàn cơ sở.
Ðặc biệt quan trọng là quy định trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn. Thông qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công đoàn cấp trên cơ sở chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước thực hiện tốt trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chương III quy định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn, là chương mới, đã quy định mang tính nguyên tắc xác định mối quan hệ hợp tác, phối hợp hoạt động giữa Công đoàn với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động Công đoàn. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật công đoàn; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hợp tác, tạo điều kiện, bảo đảm điều kiện hoạt động của công đoàn cơ sở, của cán bộ công đoàn và đặc biệt là phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Luật này.
Chương IV quy định những bảo đảm hoạt động của công đoàn, tập trung bổ sung, sửa đổi sáu nội dung lớn: Một là, xác định có tính nguyên tắc việc bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ, công chức để thực hiện chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn. Hai là, bổ sung và mở rộng quy định về thời gian tối thiểu cho hoạt động công đoàn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại cơ sở. Ba là, bổ sung quy định về quyền lợi của cán bộ công đoàn không chuyên trách do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả lương, được hưởng phụ cấp hoạt động công đoàn và khoản phụ cấp này được thực hiện theo quy định cụ thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bốn là, bổ sung quy định bảo vệ cán bộ công đoàn về việc làm. Năm là, bảo đảm về tài chính công đoàn. Sáu là, bảo đảm nguyên tắc quản lý tài chính công đoàn, vừa theo pháp luật, vừa bảo đảm tính độc lập của công đoàn, Luật xác định rõ các nội dung chi và quy định công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng và kiểm tra tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Chương V quy định về giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn, quy định hai nội dung mới liên quan đến việc xác định nguyên tắc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn và trách nhiệm của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn.
Nguồn: Nhandan.com.vn
- Từ khóa:
- Luật Công đoàn 2012