Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ là những nội dung nổi bật được đề xuất để đưa vào Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017.
Điểm mới nổi bật trong Bộ luật Lao động sửa đổi 2017 (Ảnh minh họa)
Sau một thời gian Bộ Luật Lao động 2012 được đưa vào thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập như có một số quy định còn mang tính khái quát chung cần có văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống văn bản thiếu đồng bộ, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện, đặt biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, Bộ luật Lao động 2012 vẫn chưa đáp ứng được một số yêu cầu của tiêu chuẩn lao động quốc tế. Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động 2012 nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Lao động và các luật khác mới được ban hành và phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong năm 2016 và năm 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017. Bộ Lao động thương binh xã hội đề xuất sửa đổi một số nội dung đáng chú ý như sau:
Tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 58, nam giới lên 62
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012 người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Với xu hướng già hóa dân số, nguy cơ phá vỡ quỹ do tuổi thọ bình quân hiện nay cao, thời gian chi trả lương hưu dài cũng như để phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới Bộ đã đề xuất tuổi nghỉ hưu của nữ giới từ 55 lên 58, nam giới từ 60 lên 62. Việc tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến hầu hết người lao động trong xã hội, gây ra nhiều tranh cãi vì tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đi đôi với áp lực tạo việc làm cho thế hệ lao động trẻ.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc tăng tuổi nghỉ hưu có thật sự cần thiết trong khi hiện nay vẫn còn 400.000 nghìn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp và việc sa thải người lao động độ tuổi ngoài 30 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Có thể thấy một số nước quy định về độ tuổi nghỉ hưu như chúng ta vẫn thực hiên rất tốt xã hội hóa lao động, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến cho xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc có tăng tổi nghỉ hưu hay không và nếu tăng thì cụ thể như thế nào thì cần phải xem xét đến nhiều khía cạnh.
Nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
Lao động nữ là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực, hiện chiếm khoảng 48,8% lực lượng lao động xã hội, chiếm tỉ lệ lớn trong các ngành nghề, doanh nghiệp đặc thù như: y tế, giáo dục, dệt may, da giày, nuôi trồng và chế biến thủy sản... lao động trong độ tuổi sinh đẻ cao, phần nào ảnh hưởng đến thời gian thực hiện nhiệm vụ và năng suất lao động. Hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì chi phí doanh nghiệp tăng cao do phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Do vậy, việc đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động nữ cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vưc sử dụng nhiều lao động nữ là vấn đề hết sức cần thiết.
Giải quyết chế độ cho người lao động bị nợ BHXH
Tình trạng nợ tiền, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đúng quy định thì người lao động không được hưởng các chế độ liên quan đến BHXH khi xảy ra ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, không được hưởng chế độ BHYT hay khi mất việc không được nhận trợ cấp thất nghiệp…
Có nhiều lí do dẫn đến việc doanh nghiiệp nợ tiền bảo hiểm như tình hình doanh nghiệp khó khăn hoặc cố tình không đóng bảo hiểm cho người lao động...Nhưng vì lí do gì thì việc nợ tiền bảo hiểm thì người lao động là người thiệt thòi nhất. Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chưa có quy định để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động khi người sử dụng lao động còn nợ BHXH. Vì vậy, cần phải xem xét bổ sung quy định giải quyết tình trạng trên.