Nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở

Thông tư 103/2016/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP.

Theo đó, nhu cầu thực hiện mức lương cơ sở được xác định như sau:

  • Tổng số cán bộ, công chức, viên chức thực có mặt tại thời điểm báo cáo và không vượt quá tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
  • Tổng số người làm việc theo chế độ hợp đồng không thời hạn. Số người vượt so với tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) tại thời điểm báo cáo, thì cơ quan, đơn vị phải tự đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. 
  • Nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở được xác định căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối); mức khoán quỹ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn); mức tiền lương cơ sở tăng thêm.
  • Những người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm theo quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP, nếu tổng tiền lương tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5/2016 thấp hơn tổng tiền lương và tiền lương tăng thêm tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng của tháng 4/2016, thì được hưởng phần chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4/2016 và tổng hợp vào nhu cầu tiền lương tăng thêm.

Nguồn để đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở

Cấp bộ, cơ quan Trung ương:

  • Đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể:
    • Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2016 (nếu có).
    • Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2016 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nghị định về điều chỉnh mức lương cơ sở, phụ cấp từ năm 2011 đến nay);
    • Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ (sau khi đã thực hiện các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định).
  • Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:
    • Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2016 (nếu có).
    • Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2016 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nghị định về điều chỉnh mức lương cơ sở, phụ cấp từ năm 2015 trở về trước). Ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ.
    • Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ (sau khi đã thực hiện các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định).

Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

  • Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2016 tăng thêm so với dự toán năm 2015 (trừ các khoản tiền lương, các khoản có tính chất lương) theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính;
  • Sử dụng nguồn tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2016 (trừ các khoản tiền lương, các khoản có tính chất lương);
  • Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có);
  • Nguồn còn dư (nếu có) sau khi đảm bảo nhu cầu tiền lương, các khoản phụ.

Phương thức chi trả kinh phí thực điều chỉnh mức lương cơ sở.

  • Các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn theo quy định để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
  • Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện, các địa phương chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên (phần giữ lại tập trung) để bổ sung nguồn kinh phí cho các đơn vị dự toán cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn.
  • Các địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, có nhu cầu kinh phí thực hiện lớn hơn nguồn kinh phí theo quy định thì ngân sách cấp trên thực hiện tạm cấp kinh phí. Các địa phương có khó khăn về nguồn, có văn bản báo cáo gửi Bộ Tài chính để thực hiện tạm cấp kinh phí cho địa phương.
  • Việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, phụ cấp thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.

Xem thêm Thông tư 103/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2016, bãi bỏ Thông tư 104/2013/TT-BTC.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
700 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;