Hiến máu là một nghĩa cử nhân văn, mang tính tự nguyện, thể hiện tình cảm yêu thương, đoàn kết giữa con người với con người. Có thể nói hiến máu là trách nhiệm của mỗi con người trong cộng đồng và Nhà nước khuyến khích mọi công dân khi có đủ điều kiện sẽ chủ động tham gia hiến máu, theo đó người hiến máu sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định.
Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc quy định người hiến máu sẽ được hưởng những quyền lợi sau:
- Người hiến máu tình nguyện (không lấy tiền) được:
- Cung cấp miễn phí số lượng máu tương ứng với số lượng máu đã hiến khi có nhu cầu sử dụng máu trong quá trình điều trị tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào;
- Được nghỉ 01 buổi làm việc để đi hiến máu và 01 buổi làm việc ngay sau khi hiến máu mà không bị trừ lương hoặc tính vào ngày nghỉ phép, nghỉ lễ theo quy định pháp luật lao động.
- Được cung cấp thông tin về các bệnh lây truyền qua đường máu;
- Được giải thích về quy trình lấy máu, tế bào gốc, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu, tế bào gốc;
- Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khoẻ để hiến máu, tế bào gốc; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ sau khi hiến máu và tế bào gốc;
- Được chăm sóc, điều trị và được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu, tế bào gốc;
- Được hưởng chế độ bồi dưỡng sau khi hiến máu hoặc tế bào gốc theo quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bên cạnh những quyền lợi nêu trên, người hiến máu cũng phải có nghĩa vụ:
- Trung thực và chịu trách nhiệm về các thông tin mà mình cung cấp liên quan đến tình trạng sức khỏe trước khi hiến máu, tế bào gốc;
- Tuân thủ các chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình khám sàng lọc và hiến máu, tế bào gốc;
- Không được hiến máu, tế bào gốc khi thuộc các trường hợp không được hiến máu, tế bào gốc sau khi đã được nhân viên y tế tư vấn.
Hiến máu là hoạt động tự nguyện song trước đây Dự luật lại đưa ra phương án “bắt buộc hiến máu” gây tranh cãi. Nhiều quan điểm phản đối phương án này và cho rằng “bắt buộc” tức là đã vi phạm nhân quyền, vi phạm sự tự do thân thể. Đa số các chuyên gia trong Bộ Y tế đều nghiêng về và đồng ý với phương án chỉ hiến máu tình nguyện.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Dự luật về máu và tế bào gốc có thể phải đến năm 2018 nó mới được trình Quốc hội để thông qua.
Xem chi tiết tại Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc.
1. Ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu hoặc tế bào gốc;
2. Nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng tế bào gốc, sử dụng tế bào gốc hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc trong khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
3. Tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất máu, chế phẩm máu và tế bào gốc tại các cơ sở không đủ điều kiện;
4. Xuất khẩu, nhập khẩu trái phép máu, chế phẩm máu và tế bào gốc;
5. Cố ý truyền máu hoặc chế phẩm máu không bảo đảm an toàn, chất lượng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật này;
6. Tạo phôi nhằm mục đích lấy tế bào gốc để nghiên cứu hoặc điều trị;
7. Đặt phôi vào cơ thể người phụ nữ sau đó nạo phá thai để lấy mô hoặc lấy thai nhằm mục đích lấy tế bào gốc;
8. Nhân bản vô tính để lấy tế bào gốc, trừ trường hợp nuôi cấy tế bào gốc để điều trị hoặc nghiên cứu;
9. Quảng cáo về máu và chế phẩm máu;
10. Quảng cáo về sử dụng tế bào gốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chăm sóc sắc đẹp khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt.