Theo Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra đề xuất số giờ làm thêm tối đa của người lao động có thể được tăng lên tới 600 giờ trong 01 năm.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thực tiễn trong quan hệ lao động cho thấy số nhiều doanh nghiệp vì tính chất công việc cũng như một bộ phận không nhỏ người lao động đều mong muốn có thêm thời gian để hoàn thành tốt công việc, theo kịp xu hướng cạnh tranh của thị trường lao động; đặc biệt là người lao động có thể tăng thêm thu nhập qua việc tăng thời gian làm thêm giờ.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị đại diện cho doanh nghiệp cho rằng: “Điều 106, Bộ Luật Lao động quy định thời gian làm thêm giờ không quá 200 - 300 giờ/năm.. chưa đảm bảo tính hợp lý, cản trở đáng kể cho hoạt động của doanh nghiệp vì số giờ làm thêm cụ thể trong một ngày nên để hai bên tự do thỏa thuận, tùy thuộc vào nhu cầu công việc. Nhà nước nên đặt giới hạn tối đa về giờ làm thêm trong một tháng hoặc một năm vì nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn, cần huy động người lao động làm thêm giờ trong một khoảng thời gian. Hơn nữa, nhiều trường hợp người lao động chủ động muốn làm thêm giờ do họ được hưởng lương cao hơn, có thể được công ty trả tiền bữa ăn tối. Bên cạnh đó, nhiều chủ sử dụng lao động phải thuê thêm công nhân, đi kèm với đó là rất nhiều chi phí về đào tạo, bảo hộ, phúc lợi..Người lao động có thời gian thừa, rảnh rỗi mà không được phép tận dụng để lao động kiếm thêm thu thập”.
Xu hướng tiến bộ của loài người hiện nay là làm nhiều việc trong thời gian ngắn, tức là giảm thời gian làm việc nhưng vẫn đảm bảo năng suất lao động, đảm bảo sức khỏe,… Người lao động ở Việt Nam làm việc trung bình khoảng 8 tiếng/ngày, tùy tính chất công việc mà khoảng thời gian đó được cho là nhiều, ít hay đủ. Có những công việc khiến người lao động phải làm liên tục, tăng ca, làm thêm giờ dẫn đến suy kiệt sức khỏe, không có thời gian để làm việc khác như chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái,… Nhưng cũng có những công việc chỉ cần làm đủ giờ là đã kết thúc. Ngoài tính chất công việc thì yếu tố môi trường làm việc, trang thiết bị máy móc của công ty, doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ chất lượng công việc của người lao động. Nhưng giả sử tăng thêm thời gian làm việc nhưng năng suất lao động của người lao động có hạn thì liệu có mang lại hiệu quả công việc hay khộng? Làm thêm giờ không những đã gây ảnh hưởng cho sức khỏe của người lao động rồi mà phía người sử dụng lao động cũng không được lợi ích gì? Còn có ý kiến cho rằng giảm giờ làm thực tế của người lao động ở công ty thì họ sẽ có thời gian làm việc khác ngoài công ty để kiếm thu nhập nữa. Vậy nên quy định thế nào mới phù hợp.
So với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (30 giờ/tháng). Trong khi đó: Trung Quốc 36 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Thái Lan 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines không khống chế.
Liên quan tới vấn đề này, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra hôm 5/12, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, số giờ làm thêm hiện nay không xem xét một số yếu tố như thời kỳ cao điểm và thấp điểm của từng doanh nghiệp. Hiệp hội khuyến nghị áp dụng linh hoạt quy định giới hạn làm thêm giờ không quá 30 giờ một tháng. Vào thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp có thể tăng thời gian làm thêm giờ cho người lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất và ngược lại.
Theo đó, Dự thảo Bộ luật hiện đưa 02 phương án lấy ý kiến như sau:
Phương án 1: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/ ngày và không quá 05 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ/năm;
Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/ ngày và không quá 05 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Liên quan đến quy định làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt, Dự thảo Bộ Luật đã điều chỉnh lại Khoản 2 Điều 107 của Bộ luật lao động 2012 và bổ sung thành những nội dung cụ thể như sau:
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau:
3. Thực hiện các công việc khẩn cấp phải làm trên máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất để ngăn ngừa sự mất mát hoặc hư hỏng nghiêm trọng;
4. Thực hiện các công việc khẩn cấp để ngăn ngừa sự mất mát hoặc thiệt hại đối với hang hóa dễ hỏng.
Theo dự kiến tháng 3/2017, Chính phủ sẽ trình Bộ luật Lao động cho cơ quan thẩm tra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến tháng 4/2017 sẽ trình Quốc hội Dự án Bộ luật.
Hiện Dự thảo Bộ luật đang tiếp tục lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Chính phủ.