Quấy rối tình dục là hành vi khá phổ biến trong môi trường làm việc của người lao động. Mặc dù Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ 2012) nghiêm cấm về hành vi này song vẫn chưa thật cụ thể và chi tiết. Tại Dự thảo Báo cáo tổng kết đánh giá 3 năm thi hành BLLĐ 2012 (Gọi tắt là Dự thảo Báo cáo) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ( Bộ LĐ-TBXH) đã đề xuất nên quy định cụ thể hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Theo BLLĐ 2012, “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là hành vi bị nghiêm cấm, là lý do để người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Song, quy định này là mặt hạn chế được nêu tại Dự thảo Báo cáo: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” quy định tại Khoản 2 Điều 8, Điểm c Khoản 1 Điều 37 và Khoản 1 Điều 183 BLLĐ 2012 chưa có định nghĩa rõ ràng, chưa giải thích cụ thể. Dẫn đến quy định này chưa đi vào cuộc sống, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Đến thời điểm hiện nay Việt Nam chưa có một con số thống kê chính thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc và cũng chưa có trường hợp quấy rối tình dục nào bị xử lý thật nghiêm khắc. Có lẽ đây là vấn đề khá tế nhị, khó mở lời, mở lòng nên người lao động cũng như người sử dụng lao động còn khá mơ hồ: Như thế nào là quấy rối tình dục? Và nên xử lý thế nào?
Vào năm 2012, LĐ-TBXH đã phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhanh về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại Việt Nam cho 102 đối tượng là cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, sinh viên... Kết quả nhận được từ nghiên cứu cho thấy quấy rối tình dục diễn ra khá phổ biến, ở mọi nơi, mọi môi trường, với nhiều độ tuổi. Phần lớn nữ giới là nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc (chiếm 78,2%).
Ngày 25/5/2015, Bộ LĐ-TBXH cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam dưới sự giúp đỡ của ILO đã xây công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Song, Bộ quy tắc này không phải là văn bản pháp lý mà chỉ mang tính chất khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng vào trong nội quy, quy định.
Nội dung Bộ quy tắc được minh họa như sau:
Mặc khác, quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng và quấy rối tình dục nói chung được quy định trong Bộ luật hình sự. Song, hành vi này chỉ được coi là vi phạm nếu ở mức độ nặng, như tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm.
Do đó, việc đưa ra kiến nghị và đề xuất quy định cụ thể, chi tiết về hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là cần thiết, trước hết có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, tạo ra môi trường làm việc an toàn và bình đẳng cho người lao động.
- Từ khóa:
- Quấy rối tình dục
- Bộ luật lao động 2012