Một số đề xuất có lợi cho lao động chưa thành niên

Tại Dự thảo báo cáo Tổng kết đánh giá 03 năm thi hành Bộ luật lao động, Bộ lao động - thương binh và xã hội đã thảo luận và đánh giá về một số quy định liên quan đến lao động là người chưa thành niên. Đồng thời cũng đề xuất một số quy định có lợi cho lao động chưa thành niên.

 

Bộ luật lao động (BLLĐ) quy định người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Thêm vào đó, các nguyên tắc cũng như quy định được đưa ra khá cụ thể nhằm đảm bảo cho người chưa thành niên lao động trong môi trường làm việc ổn định, phù hợp như:

  • Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ;
  • Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác; 
  • Cấm sử dụng lao động dưới 15 tuổi như công việc: mang, vác các vật nặng vượt quá thể trạng; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng…

 

Và đặc biệt, thời gian làm việc cho lao động chưa thành niên cũng phải thật hạn chế: Đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần; Người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Đây là những quy định được Bộ lao động - thương binh và xã hội đánh giá cao, mang tính tích cực. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số nhược điểm và bất cập.

Thực tế hiện nay, lao động chưa thành niên vẫn còn thiếu hiểu biết về quyền lợi của mình khi tham gia vào quan hệ lao động. Điển hình như họ chưa biết được tầm quan trọng của việc ký kết hợp đồng lao động, phần lớn quan hệ lao động chỉ được xây dựng bằng lời nói và dĩ nhiên không có sự ràng buộc nào về mặt pháp lý giữa người sử dụng lao động và lao động là người chưa thành niên. Hoặc có thể ký hợp đồng nhưng chỉ là việc đưa hợp đồng rồi ký tên vào thôi chứ không hiểu hoặc không biết đến một số quyền lợi mà mình đáng được hưởng như tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, chế độ làm việc, nghỉ ngơi. Dẫn đến, tình trạng vi phạm phạm pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên rất nhiều song lại khó phát hiện, không có cơ sở chứng minh người lao động chưa thành niên bị bóc lột sức lao động. Phổ biến nhất là các cơ sở sử dụng lao động trong độ tuổi chưa thành niên hầu như không đăng ký khai trình lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương, do đó gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát.

Liên quan đến khái niệm lao động từ 15 đến dưới 16 tuổi, Luật Bảo vệ - Chăm sóc và Giáo dục trẻ em có quy định nhóm người từ 15 đến dưới 16 tuổi tham gia lao động được gọi là “lao động trẻ em”. Nhưng Điều 163 và Điều 164 BLLĐ lại quy định đó là “lao động chưa thành niên”. Mặc dù cùng một nhóm đối tượng lao động nhưng có 02 văn bản luật quy định khác nhau, cho thấy việc áp dụng quy định của pháp luật chưa có sự thống nhất.

Trước thực trạng áp dụng chính sách lao động còn nhiều bất cập và cần thiết phải bổ sung thêm những quy định chặt chẽ hơn. Bộ lao động- thương binh và xã hội đã đưa ra một số đề xuất tại Dự thảo Báo cáo tổng kết như sau:

  • Đề nghị bổ sung chế tài đối với trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thành niên nhưng không ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định và không thực hiện khai trình lao động cho cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
  • Cần điều chỉnh thống nhất các quy định liên quan để xác định cụ thể đối với nhóm người lao động từ 15 đến dưới 16 tuổi tham gia quan hệ lao động.
  • Điều 163 BLLĐ: Đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, trí lực hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành trên cơ sở Điều 165  của Bộ luật này” để bảo đảm sự rõ ràng, phù hợp với điều 3 Công ước 138 và Khoản 1 Điều 162, 165 Bộ luật lao động.
  • Điều 164 BLLĐ: Đề nghị bổ sung  “Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm”.
  • Điều 165 BLLĐ: Đề nghị xem lại sự trùng lắp về trách nhiệm của Bộ  tại Khoản 1 Điều 163 và Điều này để ban hành văn bản đúng thẩm quyền là “Danh mục chung” hay chỉ “danh mục bổ sung”theo điểm g khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3000 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;