Mới đây, Quốc hội khóa XIV đã bấm nút thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Theo đó, đáng chú ý, người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải hoàn trả tiền môi giới.
- 03 điểm mới tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020
- 03 hình thức người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng
Mới: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải hoàn trả tiền môi giới (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã bãi bỏ quy định người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại khoản 1 Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022 là ngày chính thức có hiệu lực của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Do đó, sẽ giảm bớt chi phí cho người lao động khi có nhu cầu làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải hoàn trả tiền môi giới, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 cũng quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động số tiền dịch vụ bằng với mức trần tiền dịch vụ trừ đi số tiền dịch vụ đã nhận của bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ.
Cụ thể, tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ của người lao động theo đúng đăng ký hợp đồng đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận và sau khi đã ký kết hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài... Trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động số tiền dịch vụ bằng với mức trần tiền dịch vụ trừ đi số tiền dịch vụ đã nhận của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
Đồng thời, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 cũng quy định Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần và việc thu tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được thu của người lao động phù hợp với từng thị trường trong từng thời kỳ sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hiện nay, căn cứ theo Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC, mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động như sau:
-
Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 1 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc;
-
Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 3 tháng tiền lương của người lao động;
-
Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động;
-
Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.
Có thể thấy, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 về cơ bản kế thừa quy định hiện hành, đồng thời cũng giảm bớt chi phí dịch vụ cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ty Na
- Từ khóa:
- Dự thảo