Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP . Vậy, trong năm 2021, lương tối thiểu vùng liệu sẽ thay đổi?
Lương tối thiểu vùng năm 2021 liệu sẽ thay đổi? (Ảnh minh họa)
Mức lương tối thiểu vùng được hiểu là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
-
Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
-
Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
-
Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
-
Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020 được áp dụng cho đến thời điểm hiện tại. Từ năm 2010 cho đến nay, lương tối thiểu vùng thay đổi liên tục qua các năm. Vậy, lương tối thiểu vùng năm 2021 liệu sẽ thay đổi?
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đề cập đến mức lương tối thiểu vùng như sau:
Điều 96. Chế độ, điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ:
a) Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định áp dụng mức bồi dưỡng cao hơn mức quy định tại điểm này phù hợp với khả năng ngân sách địa phương;
...
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 103 Nghị định 145/2020/NĐ-CP lần nữa nhắc đến quy định này như sau:
Điều 103. Chế độ, điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động
1. Trọng tài viên lao động được hưởng các chế độ:
a) Mỗi ngày thực tế nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập bằng chứng và tiến hành cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động theo phân công thì được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định áp dụng mức bồi dưỡng cao hơn mức quy định tại điểm này phù hợp với khả năng ngân sách địa phương;
...
Từ những quy định trên, có thể thấy từ năm 2021 vẫn tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Chi tiết mức lương tối thiểu vùng 2021 của 63 tỉnh, thành phố Quý bạn đọc vui lòng xem thêm tại đây.
Thùy Trâm