Trưa hôm qua ngày 02/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng 7,3%, tức 213.000 đồng.
Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà Chính phủ yêu cầu người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi làm một công việc nhất định trong điều kiện bình thường, và mức lương đó đủ để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu của gia đình bình thường.
Lương tối thiểu bao gồm, lương tối thiểu chung (hay còn gọi là mức lương cơ sở) và lương tối thiểu vùng. Theo đó, lương cơ sở tương ứng với mức lương bậc 1, dùng để tính lương theo hệ số đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang quân đội, người lao động trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình theo hợp đồng lao động, có sự khác biệt về mức lương giữa các vùng khác nhau chia theo 4 Vùng quy định tại danh mục kèm theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 của Chính Phủ.
Tăng lương tối thiểu vùng mức 7,3%
Từ năm 2010 đến nay, lương tối thiểu vùng liên tục tăng và cứ tới kỳ tăng lương tối thiểu là các doanh nghiệp lại đau đầu, bởi tính toán mỗi đồng lương tối thiểu vùng tăng là rất nhiều sức ép đối với lợi nhuận doanh nghiệp.
Trước hết, lương tối thiểu vùng tăng sẽ đội chi phí nhân công lên. Đặc biết đối với các ngành nghề thế mạnh tại Việt Nam là dệt may, nông sản, thủy sản với lượng nhân công rất lớn, trung bình khoảng trên dưới 2.000 nhân công trong một công ty. Do đó, 250.000 đồng/tháng tăng lên ( Vùng I ) sẽ tương đương một nửa tỉ đồng ra đi trên mức doanh thu nếu so với năm trước.
Bên cạnh đó, tương tự như tình hình các năm trước, lương tối thiểu tăng đương nhiên mức đóng Bảo hiểm xã hội sẽ tăng theo, đối với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay của NLĐ ở mức 8%, 1,5% và 1% thì NSDLĐ đóng ở mức 18%, 3%, 1%, cùng với mức dự tính tăng rất cao ở 7,1%.
Lương tối thiểu vùng tăng đương nhiên các khoản nộp kinh phí công đoàn 2%, đoàn phí công đoàn 1%, tiền làm thêm giờ, làm thêm vào ban đêm.. cũng tăng theo.Các lao động có mức lương thấp hơn mức tối thiểu vùng sẽ được cân đối với mặt bằng chung, kéo theo các lao động khác ít nhiều cũng sẽ được tăng lương, sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp.
Có thể thấy lương tối thiểu vùng tăng là một động thái tích cực đối với lao động nhưng sức ép đối với doanh nghiệp cũng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, mà một số doanh nghiệp có doanh thu ở mức ngấp ngưỡng sẽ dẫn đến phá sản. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp tìm cách né bảo hiểm bắt buộc, trốn thuế vì không có lãi. Và bấy giờ là thiệt hại đối với ngân sách nhà nước, thiệt hại chung với nền kinh tế. Đây là bài toán mà Chính phủ phải cân đối.
Trong xu thế mở cửa, hội nhập nếu tình hình lương tối thiểu vùng tăng liên tục và ở mức rất cao, khoản trích nộp theo lương cao sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm nguồn thu trực tiếp từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi, thì doanh nghiệp Việt Nam do lợi nhuận giảm, không đủ kinh phí đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng do đó buộc phải tăng giá thành sản phẩm để cân đối với nguồn vốn bỏ ra. Dẫn tới hệ quả tất yếu, là doanh nghiệp trong nước sẽ giảm sức cạnh tranh và bị lấn át.
Đây cũng chính là lý do chủ yếu mà đại diện cho các doanh nghiệp ngành dệt may trong phiên họp vừa qua để xuất ý kiến cho rằng chưa cần tăng lương tối thiểu vùng.