Hiện nay, nhiều trường hợp người lao động và người sử dụng lao động áp dụng hình thức giao kết hợp đồng cộng tác viên để hạn chế các thủ tục về bảo hiểm xã hội, kỷ luật lao động… Vậy hợp đồng cộng tác viên là gì? Đó có được xem là hợp đồng lao động không?
- Thực tập có phải ký hợp đồng lao động không?
- NLĐ mượn hồ sơ để giao kết hợp đồng lao động bị xử lý thế nào?
- Hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa mấy lần?
- Từ 01/01/2021, Hợp đồng lao động và hợp đồng cộng tác viên có gì khác nhau?
Hợp đồng cộng tác viên có được xem là hợp đồng lao động? (Hình từ Internet)
1. Hợp đồng cộng tác viên là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thế nào là hợp đồng cộng tác viên. Tuy nhiên, về bản chất thì hợp đồng cộng tác viên có thể được xem là hợp đồng dịch vụ.
Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền dịch vụ cho bên cộng tác viên.
Hợp đồng cộng tác viên thường được giao kết với một bên là thương nhân, và áp dụng chủ yếu là Luật Thương mại 2005.
2. Hợp đồng cộng tác viên có được xem là hợp đồng lao động?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động được quy định là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu hợp đồng cộng tác viên đáp ứng các điều kiện sau thì sẽ được xem là hợp đồng lao động:
- Có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương.
- Có nội dung thể hiện về sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Nếu hợp đồng cộng tác viên được xác định là hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động (như đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,...). Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ.
Như vậy, tùy từng trường hợp mà hợp đồng cộng tác viên có thể được xem là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ. Tên gọi của hợp đồng không phải là yếu tố quan trọng quyết định hợp đồng đó có phải hợp đồng lao động hay không.
Như Mai
- Từ khóa:
- hợp đồng cộng tác viên
- Hợp đồng lao động