Khi xây dụng lương tối thiểu vùng thì không thể nào bỏ qua chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia? Vậy cụ thể hội đồng tiền lương quốc gia có chức năng, nhiệm vụ gì trong việc xây dựng lương tối thiểu vùng?
Hội đồng tiền lương quốc gia có chức năng, nhiệm vụ gì? (Hình từ internet)
1. Chức năng của Hội đồng tiền lương quốc gia
Theo Điều 49 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ về:
- Mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).
- Chính sách tiền lương áp dụng đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia
Theo Điều 50 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.
- Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động.
- Rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ.
- Hằng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).
- Tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của Bộ luật Lao động.
3. Hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia
Hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia được quy định tại Điều 52 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
- Hội đồng tiền lương quốc gia hoạt động tập thể thông qua các phiên họp dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng; thảo luận dân chủ, công khai; quyết định dựa trên biểu quyết theo đa số.
- Hội đồng tiền lương quốc gia có con dấu riêng và được quản lý tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật.
- Kinh phí hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Diễm My
- Từ khóa:
- hội đồng tiền lương quốc gia