Góc giải đáp vướng mắc về trợ cấp thất nghiệp năm 2021

Thời gian vừa qua do tình hình dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng nặng nề nền kinh tế, kéo theo thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy mà một số vấn đề pháp lý về trợ cấp thất nghiệp luôn được người lao động rất quan tâm.

1. Thử việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Trợ cấp thất nghiệp là một khoản tiền mà người lao động nghĩ đến nhiều nhất khi không có việc làm. Vậy khi đang trong quá trình thử việc và không thể lường trước được sẽ lại thất nghiệp vào thời điểm nào, thì lúc đó NLĐ có còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?

Tại Điểm b Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm 2013 quy định người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp tìm được việc làm.

Mặt khác, tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

  • Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

  • Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp.

  • Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Từ các dẫn chứng trên, có thể thấy rằng người lao động thử việc vẫn được coi là chưa có việc làm. Do đó, vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.

Tuy nhiên, NLĐ cần đối chiếu với các quy định nêu trên để xem xét loại hợp đồng giao kết và thời hạn của hợp đồng trong thời gian thử việc tại công ty mới, từ đó mới có kết luận chắc chắn hay không việc mình đang thử việc vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ: A làm việc tại công ty may B, sau khi nghỉ việc A xin thử việc tại công ty C trong vòng 1 tháng. Vậy thì trong thời gian thử việc 1 tháng đó A vẫn được nhận bảo hiểm thất nghiệp bởi vì hợp đồng này không thuộc trường hợp “Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên” theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

2. Có thể ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp thay mình không?

Nếu như Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (có hiệu lực từ 15/07/2020) không ra đời thì khi NLĐ rơi vào một số trường hợp bất khả kháng quy định tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định 28, NLĐ sẽ có thể uỷ quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP đã bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 61/2020/NĐ-CP. Do đó, kể từ 15/07/2020, người lao động không còn được ủy quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mà phải tự mình đi nhận.

Tuy không còn được ủy quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng NLĐ vẫn được phép ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đường bưu điện.

Hơn nữa, nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Khoản 7 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

3. Đang hưởng TCTN mà có việc làm thì có phải nộp lại tiền trợ cấp không?

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm 2013 thì một trong các trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là “Tìm được việc làm”.

Mà căn cứ Điểm n Khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, khi đã tìm được việc làm thì người lao động có trách nhiệm phải thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động).

Trường hợp nếu NLĐ không không báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi mình đã có việc làm thì có thể bị phạt tiền theo Điểm c Khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Ngoài phạt tiền, NLĐ buộc phải nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, NLĐ cần lưu ý, khi đã có việc làm thì phải thực hiện thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu không sẽ bị phạt tiền, đồng thời phải hoàn lại số tiền đã được nhận.

4. Nếu dừng hưởng TCTN do có việc làm mới thì khoảng thời gian chưa hưởng có được bảo lưu để làm căn cứ hưởng lần tiếp theo không?

“Tìm được việc làm” thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hưởng thất nghiệp (Điểm b Khoản 3 Điều 53 Luật Việc Làm 2013) nên nếu NLĐ thuộc vào trường hợp này thì sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A làm việc cho công ty B, đóng BHTN 48 tháng với mức lương bình quân 6 tháng cuối cùng là 6.000.000 đồng.

Thời gian được hưởng BHTN của ông A theo quy định là 4 tháng.

Tuy nhiên, sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp 2 tháng thì ông A tìm được việc làm và thông báo lên trung tâm dịch vụ việc làm để bảo lưu lại thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy thời gian đóng BHTN được bảo lưu lại của ông A là bao nhiêu?

Trả lời: Theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông A được tính tương ứng 12 tháng đóng BHTN.

Vậy thời gian đóng BHTN được bảo lưu = 48 - (2 x 12) = 24 tháng.

Trên đây là 4 vướng mắc thường gặp của người lao động về trợ cấp thất nghiệp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, Quý Khách hàng và Thành viên vui lòng liên hệ (028) 7302 2286 để được THƯ KÝ LUẬT hỗ trợ chi tiết.

Thu Ba

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
892 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;