Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo là quy định sửa đổi, bổ sung về việc học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Dự thảo, học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành công việc tại nơi làm việc, còn tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động có thể tuyển người học nghề cho các công việc có yêu cầu công nghệ kỹ thuật cao hoặc nghề chưa được đào tạo bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tuyển người tập nghề nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thời hạn không quá 12 tháng đối với học nghề và không quá 03 tháng đối với tập nghề;
- Cam kết tuyển dụng người học nghề làm việc cho mình nếu đủ 15 tuổi trở lên;
- Phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề.
Có thể thấy, Dự thảo đã siết chặt hơn các quy định về việc học nghề, tập nghề so với quy định hiện hành tại Bộ luật Lao động 2012, cụ thể bổ sung các điều kiện về thời hạn học nghề, tập nghề của người lao động cũng như yêu cầu người sử dụng lao động phải cam kết tuyển dụng người học nghề làm việc cho mình nếu đủ tuổi quy định.
Lưu ý, người học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu học nghề.
Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.
Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
Nguyễn Trinh