Giải đáp các quy định mới về việc trả lương cho người lao động từ 01/01/2021

Thời gian gần đây THƯ KÝ LUẬT đã nhận được khá nhiều câu hỏi thắc mắc của Quý Khách hàng và Thành viên liên quan đến các quy định mới về việc trả lương cho người lao động từ 01/01/2021 tại Bộ luật Lao động 2019 . Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp cụ thể từng vấn đề tại bài viết dưới đây:

quy định mới về việc trả lương cho người lao động , Bộ luật Lao động 2019

Giải đáp các quy định mới về việc trả lương cho người lao động từ 01/01/2021 (Ảnh minh họa)

1. Thực hư chuyện lương chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản vợ?

Theo đó, tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Đây là một quy định mới so với Bộ luật Lao động 2012.

Khi đó, việc ủy quyền nhận lương được thực hiện khi đáp ứng được 02 điều kiện sau:

Thứ nhất, người lao động không thể nhận lương trực tiếp và ủy quyền hợp pháp cho người khác nhận thay mình mà cụ thể ở đây là người vợ. Thông thường quy định này sẽ áp dụng cho người lao động nhận lương bằng tiền mặt vì các lý do như bị bệnh, đi công tác xa hoặc bị trở ngại nào đó không thể đến công ty nhận lương trực tiếp. Trường hợp lương được nhận thông qua hình thức chuyển khoản và người chồng không có vấn đề gì thì không thỏa mãn điều kiện này.

Thứ hai, người sử dụng lao động đồng ý trả lương cho người được người lao động ủy quyền cụ thể là người vợ. Vì pháp luật quy định “người sử dụng lao động có thể...” nên việc có chấp nhận trả lương cho người vợ hay không sẽ do người sử dụng lao động quyết định. Bởi ở đây không quy định cứng là “bắt buộc” hay “phải” nên người sử dụng lao động có quyền không đồng ý trả lương cho người được người lao động ủy quyền.

Lưu ý: Việc ủy quyền không nhất thiết phải cho người vợ, có thể là cha mẹ, vợ chồng, con hoặc bất kỳ ai. Tuy nhiên, người này phải là người được ủy quyền hợp pháp, tức phải lập hợp đồng ủy quyền có công chứng, chứng thực tại UBND xã phường hoặc phòng công chứng.

Nói về điểm mới, đây đúng là quy định mới được ghi nhận tại Bộ luật Lao động 2019, trước đây chưa có tại Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên việc ủy quyền nhận lương từ trước đến nay vẫn có thể được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng ủy quyền.

2. Có được ép người lao động phải mua hàng hóa, dịch vụ của công ty?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định. Đây cũng là quy định mới so với Bộ luật Lao động 2012, theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Quy định này để tránh trường hợp doanh nghiệp “ép” người lao động phải sử dụng hàng hóa dịch vụ của công ty mình hay lợi dụng người lao động để giải quyết hàng hóa còn tồn đọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, từ 01/01/2021 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ việc không được ép người lao động mua hàng hóa, dịch vụ của công ty.

3. Ai sẽ là người trả phí chuyển khoản nếu trả lương qua tài khoản?

Theo Bộ luật Lao động 2019, lương của người lao động có thể được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

Khác với Bộ luật Lao động 2012 khi quy định trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản, Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương sẽ do người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả.

Như vậy, từ năm 2021 người sử dụng lao động sẽ là người trả phí chuyển khoản nếu trả lương qua tài khoản.

4. Chậm trả lương trên 15 ngày, người lao động được nhận thêm một khoản tiền?

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Theo đó, từ năm 2021 nếu bị chậm trả lương từ 15 ngày trở lên người lao động sẽ được nhận thêm một khoản tiền ngoài tiền lương được trả. Đây là quy định mới chưa có tại Bộ luật Lao động 2012.

5. Doanh nghiệp có phải thông báo bảng kê trả lương khi trả lương cho NLĐ?

Đây là nội dung mới được bổ sung tại Bộ luật Lao động 2019 so với Bộ luật Lao động 2012. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Như vậy, từ 2021 mỗi lần trả lương cho người lao động doanh nghiệp phải kèm theo thông báo bảng kê trả lương.

Trên đây là câu trả lời của THƯ KÝ LUẬT để giải đáp cho Qúy khách hàng và Thành viên về những thắc mắc xoay quanh việc trả lương cho người lao động từ ngày 01/01/2021.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1314 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;