Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp dẫn đến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự,….. Trong tình hình này, doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ do dịch COVID-19 không? NLĐ có được bồi thường hay được hưởng trợ cấp khi bị chấm dứt HĐLĐ không?
Doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ do dịch COVID-19 không? (Ảnh minh hoạ)
Doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ do dịch COVID-19 hay không?
Căn cứ theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong
Theo đó, trong trường hợp này, COVID-19 được xem là sự kiện bất khả kháng, sự kiện xảy ra một cách khách quan và không thể lường trước được.
Tại điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau:
-
Do địch họa, dịch bệnh;
-
Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động do dịch COVID-19 nếu doanh nghiệp đó đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phi, cắt giảm nhân sự và doanh nghiệp chứng minh được việc đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không khắc phục được.
Lưu ý, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ doanh nghiệp phải báo trước cho NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 38 BLLĐ 2012 như sau:
-
Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
-
Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
-
Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị theo thời gian quy định mà chưa được hồi phục và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
NLĐ có được bồi thường hay được hưởng trợ cấp khi bị chấm dứt HĐLĐ hay không?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động như sau:
-
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012 cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 BLLĐ 2012
-
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 BLLĐ 2012 cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của BLLĐ.
Như vây, căn cứ theo quy định trên thì NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc khi doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ do dịch COVID-19 nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp đó từ đủ 12 tháng trở lên.
Doanh nghiệp chỉ chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp đó từ 12 tháng trở lên và bị nghỉ việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia tách DN. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do kinh tế do dịch COVID-19 là nguyên nhân gây ra thì doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp mất việc cho NLĐ.
Ty Na
- Từ khóa:
- Bộ luật lao động 2012
- Covid-19