DN có được chấm dứt HĐLĐ với NLĐ do dịch Covid gây ra hay không?

Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, nhiều DN đã phải lựa chọn tạm ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí là đóng cửa DN,... Và trong những ngày gần đây, câu hỏi mà Thư Ký Luật nhận được khá nhiều từ Quý Khách hàng và Thành viên đó là việc DN đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ do dịch Covid-19 thì có trái pháp luật hay không?

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin khẳng định là KHÔNG.

Bởi: Căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Dịch bệnh Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 447/QĐ-TTg 2020 công bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ban hành ngày 01/4/2020.

Theo đó, dịch bệnh Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng, xảy ra một cách khách quan mà doanh nghiệp không thể lường trước được và không thể khắc phục được, trường hợp DN đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không khôi phục được tình trạng khó khăn của DN, buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất và giảm chỗ làm việc thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động do dịch Covid-19 là hoàn toàn không trái pháp luật.

Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Và bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, nếu NLĐ  đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Khoản 5 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về thời gian phải hoàn thành việc trả trợ cấp thôi việc như sau:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;

Vậy người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động do dịch Covid-19 mà không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, NSLĐ phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước cho NLĐ biết về việc chấm dứt HĐLĐ, đồng thời chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi NLĐ làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Lê Hải

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2882 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;